Quảng Bình: Dự án thoát nước gần 13,6 triệu Euro thi công ì ạch

  • Cập nhật: Thứ sáu, 3/7/2020 | 9:48:37 Sáng

DA Thoát nước và Vệ sinh MTĐT Ba Đồn (TX.Ba Đồn, Quảng Bình) có tổng mức đầu tư gần 13,6 triệu Euro, công trình dự kiến hoàn thành cuối năm 2019, nhưng đến nay chỉ ước đạt 66% tổng khối lượng.

Chậm hoàn trả mặt bằng các tuyến đường hoặc hoàn trả không kỹ lưỡng là vấn đề gây bức xúc dân cư.
Dự án vẫn cứ ì ạch
Mục tiêu của dự án là xây dựng hệ thống thoát nước mưa, thu gom và xử lý rác thải, hỗ trợ trang thiết bị vệ sinh môi trường, thiết bị quản lý vận hành nhằm cải thiện điều kiện môi trường đô thị, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong khu vực cũng như phát triển đô thị ổn định, bền vững. Dự án có quy mô thầu gồm: Thiết kế, xây dựng hệ thống thu gom và xử lý nước thải cho đô thị Ba Đồn; được khởi công từ tháng 9/2016 và dự kiến hoàn thành trong 36 tháng.
Tuy nhiên, đến hết quý II/2020, khối lượng thi công toàn dự án này mới chỉ đạt hơn 66% tổng khối lượng gói thầu. Một số hạng mục đạt thấp như: Tuyến ống áp lực mới đạt 69% tổng khối lượng tuyến ống, tuyến ống tự chảy mới đạt 54%, hố ga đấu nối hộ gia đình mới đạt 37%; riêng phần đường ống thoát nước thải với tổng chiều dài 15,4km, đấu nối hộ gia đình 3.000 điểm là hạng mục quan trọng của hệ thống thoát nước qua thi công mới chỉ đạt xấp xỉ 57% khối lượng; trong khi đó đã phải xin gia hạn thời gian giải ngân dự án và Chính phủ đã cho phép kéo dài thời gian giải ngân đến 31/12/2020.
Cảnh lắp đặt hệ thống thoát nước tại thị xã Ba Đồn của nhà thầu chính Suez.
Lý giải về tồn tại này, ông Nguyễn Thế Hảo - Giám đốc Ban quản lý Dự án ODA huyện Quảng Trạch đại diện chủ đầu tư cho biết: Tiến độ thi công dự án bị chậm trễ bởi rất nhiều nguyên nhân. Trong đó có nhiều sai sót trong quá trình khảo sát, thiết kế chi tiết, nên trong quá trình thi công rất nhiều công việc phải dừng để đợi điều chỉnh thiết kế; biện pháp thi công các tuyến cống trong khu đô thị đông đúc không phù hợp với nền cát chảy, gây tác động tiêu cực tới công trình cơ sở hạ tầng đô thị; nhà thầu chưa thực hiện kiểm tra, đánh giá, báo cáo hiện trạng các công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình công cộng, các công trình của người dân trước khi thi công theo quy định; trong quá trình thi công không có kỹ sư thiết kế giám sát tác giả tại hiện trường để giải quyết nhanh các vấn đề phát sinh, mà phải chờ đợi rất nhiều ngày để sửa đổi thiết kế.
Ngoài ra, địa bàn triển khai dự án rộng, quá trình khảo sát thiết kế không lường trước được các công trình ngầm, dẫn đến khi thi công gặp công trình ngầm phải dừng lại rất lâu hoặc điều chỉnh thiết kế và chậm hoàn trả mặt bằng.
Chạy đua tiến độ
Về tình hình giải ngân thực tế, tổng mức vốn ODA phê duyệt là 237,95 tỷ đồng; lũy kế vốn bố trí là 178.843 tỷ đồng; lũy kế số đã giải ngân 147.858 tỷ đồng. Tổng vốn đối ứng phê duyệt 122,09 tỷ đồng; lũy kế vốn bố trí 104.705 tỷ đồng; lũy kế số đã giải ngân 95.382 tỷ đồng.
Hiện, nhà tài trợ DBF đã hủy khoản viện trợ 978.676 Euro của Chính phủ Đan Mạch dành cho dự án; nhà thầu Suez vẫn chưa quay trở lại để tiếp tục thi công nhưng đưa ra các điều kiện như chủ đầu tư phải thanh toán cho nhà thầu khoản phát sinh đợt 1 là 330.000 Euro trước ngày 31/5/2020; đưa hạng mục đấu nối sau hàng rào ra khỏi trách nhiệm của nhà thầu; thanh toán 260.000 Euro phần thiết bị nhà thầu tự ý thay đổi so với thiết kế chi tiết đã nộp trước đó.
Ông Trương An Ninh - Bí thư Thị ủy Ba Đồn từng nêu rõ: Hy vọng khi dự án hoàn thành và đưa vào sử dụng, 100% hộ dân trên địa bàn phường Ba Đồn sẽ là người hưởng lợi trực tiếp, để giải quyết được cùng lúc những vấn nạn về ô nhiễm môi trường, phát triển đô thị bền vững, đúng mục tiêu của dự án ODA.
Phòng Quản lý đô thị thị xã Ba Đồn cho rằng: Qua nhìn nhận, nhiều khu vực nội thị đường sá bị ảnh hưởng từ công tác khoan cắt, lắp đặt hệ thống thoát nước, nhưng hoàn trả mặt bằng chưa kỹ lưỡng, kéo theo giao thông đi lại khó khăn. Trong khi đó, công tác tuyên truyền, vận động để người dân hiểu, đồng thuận với dự án chưa hiệu quả. Sau 4 năm thi công, dự án chỉ mới hoàn trả mặt bằng được khoảng 70% tuyến đường trên địa bàn phường.
Nếu máy móc, nhân lực ngừng hoạt động, nhà thầu Suez sẽ phạt đại diện chủ đầu tư vì không giao mặt bằng sạch.
 Nhiều nội dung kiến nghị vẫn không được phía nhà thầu và đơn vị thi công khắc phục và giải quyết, như: Trước lúc thi công, nhà thầu không thực hiện công tác kiểm tra, báo cáo đánh giá hiện trạng; không thi công dứt điểm trên từng tuyến cụ thể, mà tuyến nào cũng thi công dang dở; chậm hoàn trả mặt bằng, điều này sẽ làm sụt lún, hư hỏng toàn bộ kết cấu mặt đường; việc chôn ống không được đầm nén bảo đảm theo quy định; quá trình thi công không có sự giám sát thường xuyên của đơn vị giám sát.

Ông Võ Hồng Quân - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Bình chia sẻ: Số tiền khiếu nại, phát sinh của nhà thầu là 600.000 Euro, UBND huyện Quảng Trạch có trách nhiệm tìm phương án tài chính hữu hiệu, để phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu phương án bổ sung nguồn đối ứng trong nước để thực hiện hợp phần B dự án trong trường hợp phía DBF giữ nguyên quan điểm rút nguồn tài trợ này và khoản chi phí này, báo cáo Ban Cán sự Đảng để thông qua báo cáo Thường trực Tỉnh ủy, Bộ Kế hoạch và Đầu tư để trình lên Thủ tướng Chính phủ.

Hơn nữa, điều lãnh đạo phường Ba Đồn và chính quyền thị xã Ba Đồn lo ngại nhất đó là việc vận động, tuyên truyền người dân đấu nối từ nhà đến điểm thu gom sau khi dự án hoàn thành. Bởi nó sẽ ảnh hưởng đến hầu hết các hộ dân trong vùng dự án.

Ngoài ra, ai sẽ thi công lắp đặt, đấu nối tuyến đường ống này, chi phí để thực hiện từ nguồn nào? Các đơn vị liên quan của tỉnh Quảng Bình, thị xã Ba Đồn cần có một kế hoạch cụ thể, tránh việc đầu tư dàn trải và bất lợi cho nhân dân.

Theo Nhất Linh/Báo Xây dựng

 
  •  
Các tin khác

Với cấu trúc nhiều lớp và độ xốp đồng đều, loại màng lọc mới không chỉ có thông lượng nước đặc biệt mà còn giúp loại bỏ các chất gây ô nhiễm một cách hiệu quả.

Đó là một trong những mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 (Dự kiến lần 1) vừa được UBND tỉnh Bắc Giang ban hành.

Dù công việc thoát nước chống úng ngập thành phố rất vất vả nhưng anh Phạm Thành Trung, Tổ trưởng Tổ xử lý chất lượng nước, Xí nghiệp Quản lý duy trì hồ (Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội) vẫn luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Hiện các địa phương tại ĐBSCL đang tăng cường các biện pháp chống ngập vùng nội ô, phát triển đô thị bền vững kết hợp chỉnh trang đô thị.