“Hạ nhiệt” nhiều điểm nóng ngập úng
- Cập nhật: Thứ sáu, 7/8/2020 | 4:42:57 Chiều
Từ đầu tháng 8, thời tiết tại Hà Nội diễn biến hết sức phức tạp, mưa lớn kéo dài trên diện rộng đã ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của người dân. Song, do đã có sự chuẩn bị từ đầu mùa mưa nên tình trạng ngập úng đã từng bước được cải thiện so với những năm trước.
Tiêu thoát nước nhanh
Thống kê của Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội cho thấy, từ đầu tháng 8 đến nay, trên địa bàn TP đã có 3 cơn mưa lớn kéo dài. Song nhờ sự chủ động, chỉ có 1/3 cơn mưa khiến nhiều tuyến đường rơi vào tình trạng ngập úng. Cụ thể, trận mưa lớn kéo dài ngày 5/8 với lượng mưa đo được giao động từ 55 - 101mm tại khu vực nội thành và từ 6,9 - 92,4mm ở ngoại thành đã khiến nhiều tuyến đường rơi vào tình trạng ngập úng cục bộ.
Lực lượng chức năng xử lý bục bệ cầu dẫn trên phố Thái Thịnh.
Trong đó, khu vực chịu ảnh hưởng nặng nhất là phố Bùi Xương Trạch (đoạn từ số nhà 49 - 93); phố Quan Nhân, ngã ba Quan Nhân – Vũ Trọng Phụng; Nguyễn Trãi (trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn); Nguyễn Tuân, Nguyễn Xiển (từ ngã ba Nguyễn Trãi – Nguyễn Xiển đến ngõ 214); Triều Khúc (ngõ 97 đến ao Đình) với mức độ ngập từ 0,1 – 0,2m. Tại các khu vực như ngã tư Phan Bội Châu – Lý Thường Kiệt, Tông Đản, Liên Trì, ngã 5 Bà Triệu, Thụy Khuê, Mạc Thị Bưởi, Nguyễn Chính với mức độ ngập từ 0,15 - 0,3m… Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do tại các quận Ba Đình, Tây Hồ, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai có mưa lớn trong thời gian ngắn với lượng mưa khoảng 70mm trong 30 phút, vượt cường độ tính toán của hệ thống.
Để khắc phục tình trạng trên, Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội đã chủ động bố trí lực lượng ứng trực, giải quyết các sự cố thoát nước, tua vớt rác tại miệng thu, khơi thông dòng chảy, bố trí phương tiện cơ giới tại các điểm có nguy cơ xảy ra úng ngập và vận hành trạm bơm Yên Sở, Đồng Bông 1, Đồng Bông 2, Cổ Nhuế hạ mực nước trên hệ thống… nhằm bảo đảm khả năng tiêu thoát nước trên địa bàn TP. Nhờ đó, ngay sau khi mưa ngớt, nước cơ bản đã rút hết, giao thông đi lại bình thường.
Sẵn sàng cho mọi tình huống
Chia sẻ với Kinh tế & Đô thị, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội Võ Tiến Hùng cho biết, những năm gần đây, biến đổi khí hậu diễn biến ngày càng phức tạp. Tần suất các cơn bão ảnh hưởng đến khu vực Hà Nội có xu thế tăng, lượng mưa vượt trung bình hàng năm… Hiện với những trận mưa nhỏ dưới 50mm/2h sẽ không xảy ra ngập ứng, cơ bản chỉ tồn tại một vài vị trí ứ đọng nước do cao độ mặt đường trũng thấp hoặc hệ thống nước gặp sự cố. Tuy nhiên, với các trận mưa có cường độ từ 50 – 100mm/2h, Hà Nội sẽ xuất hiện 16 điểm ngập úng.
Cũng theo ông Hùng, nhằm hạn chế tình trạng ngập úng tại Thủ đô, ngay từ đầu quý I/2020, dù chưa có kết quả đấu thầu công tác quản lý duy tu, duy trì hệ thống thoát nước khu vực hữu sông Hồng, tả sông Hồng, đơn vị vẫn chủ động thực hiện tốt công tác phòng chống ngập úng mùa mưa… theo phương châm 4 tại chỗ.
Cùng với đó, công ty đã yêu cầu các đơn vị triển khai các giải pháp duy tu, duy trì, phát huy tối đa hiệu quả của hệ thống thoát nước. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, thanh tra xây dựng… trong công tác chống lấn chiếm, giải tỏa bục bệ, cầu dẫn sai quy định ảnh hưởng đến thu nước trên địa bàn.
Ngoài ra, tiếp tục phát huy có hiệu quả Trung tâm điều hành hệ thống thoát nước, trong đó, hoàn thiện hồ sơ vận hành, tích hợp được số liệu hiện có, lắp đặt thêm các điểm đo mực nước tự động trên sông, hồ. Thiết lập danh sách tra cứu điểm ngập úng, kịch bản điều hành cho từng tình huống… để nâng cao hiệu quả của công tác phòng, chống ngập lụt mùa mưa.
Theo KTĐT
Các tin khác
Với cấu trúc nhiều lớp và độ xốp đồng đều, loại màng lọc mới không chỉ có thông lượng nước đặc biệt mà còn giúp loại bỏ các chất gây ô nhiễm một cách hiệu quả.
Đó là một trong những mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 (Dự kiến lần 1) vừa được UBND tỉnh Bắc Giang ban hành.
Dù công việc thoát nước chống úng ngập thành phố rất vất vả nhưng anh Phạm Thành Trung, Tổ trưởng Tổ xử lý chất lượng nước, Xí nghiệp Quản lý duy trì hồ (Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội) vẫn luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Hiện các địa phương tại ĐBSCL đang tăng cường các biện pháp chống ngập vùng nội ô, phát triển đô thị bền vững kết hợp chỉnh trang đô thị.