TP.HCM: Mức giá dịch vụ thoát nước sẽ tăng 35%

  • Cập nhật: Thứ bảy, 15/8/2020 | 11:07:58 Sáng

Sở Xây dựng TP.HCM vừa có tờ trình gửi UBND TP về việc ban hành giá dịch vụ thoát nước ở TP.HCM giai đoạn 2020-2024 sau khi lấy ý kiến các sở, ngành.

Theo Sở Xây dựng, việc triển khai thu giá dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải thay phí bảo vệ môi trường (BVMT) đối với nước thải với mức tăng dự kiến là 5%/năm, lộ trình năm năm (2020-2024).
Cụ thể, giá nước sinh hoạt bình quân năm 2020 là 9.590 đồng/m3, khi tăng giá dịch vụ thoát nước lên 15% tức là sẽ tăng 1.439 đồng/m3. Như vậy, đến năm 2024, giá nước sẽ là 12.104 đồng/m3 thì mức giá dịch vụ thoát nước sẽ tăng 35% là 4.237 đồng/m3. Trên cơ sở tham khảo một số địa phương và ý kiến thẩm định của Sở Tài chính, Sở Xây dựng đã dự thảo quyết định ban hành giá dịch vụ thoát nước trên địa bàn TP giai đoạn 2020-2024 với các nội dung chính như sau: Quyết định ban hành giá dịch vụ thoát nước trên địa bàn TP giai đoạn 2020-2024. Dự thảo áp dụng cho các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình (gọi chung là hộ thoát nước, có hoạt động xả nước thải vào hệ thống thoát nước trên địa bàn TP và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan). Hộ thoát nước đã thanh toán tiền dịch vụ thoát nước thì không phải trả phí BVMT theo quy định hiện hành.
Theo đó, nếu đề xuất này được chấp thuận, giá tiền nước sạch và dịch vụ thoát nước bình quân mà người dân phải trả cho mỗi m3 trong năm 2020 là 11.029 đồng; năm 2021 là 12.198 đồng và năm 2024 là 16.344 đồng (chưa tính 10% thuế giá trị gia tăng).
Về phương thức thu, đối với các hộ thoát nước sử dụng nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung của Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn TNHH MTV thì căn cứ vào hóa đơn tiền nước.
Đối với các hộ thoát nước không sử dụng nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung thì tiếp tục thu phí BVMT theo quy định. Sở TN&MT phối hợp với các đơn vị có liên quan xây dựng phương án thu tiền dịch vụ cho các đối tượng này.
Nguồn thu từ dịch vụ thoát nước thải được để lại 1% trên tổng số thu thực tế để chi trả chi phí dịch vụ đi thu; thực hiện các nghĩa vụ thuế và nghĩa vụ tài chính khác (nếu có), phần còn lại nộp vào ngân sách nhà nước để sử dụng cho các mục đích đầu tư, duy trì, phát triển hệ thống thoát nước và các chi phí hợp lệ khác theo quy định hiện hành.
Theo kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, chuyên gia quy hoạch đô thị, trong tiền nước vốn đã có phí BVMT, với việc đề xuất thu phí dịch vụ thoát nước là 15% trong năm 2020 nghĩa là TP đang tăng phí BVMT. Việc TP muốn thu thêm phí dịch vụ thoát nước để tăng nguồn ngân sách, đầu tư cũng là hợp lý, song cần có cơ sở pháp lý để thuyết phục người dân. Theo ông Sơn, ở Mỹ, những đơn vị xả thải có chất ô nhiễm cao như nhà hàng, gara, đơn vị kinh doanh sẽ trả phí BVMT cao hơn so với hộ gia đình. Ở Việt Nam hiện chưa có sự rõ ràng giữa phí BVMT và nước thải. "TP không thể thu phí dịch vụ của hộ gia đình và đơn vị kinh doanh như nhau, cần xây dựng phí dịch vụ thoát nước cho từng đối tượng khác nhau” - ông Sơn nói.
Đào Trang/PLO

  •  
Các tin khác

Dù công việc thoát nước chống úng ngập thành phố rất vất vả nhưng anh Phạm Thành Trung, Tổ trưởng Tổ xử lý chất lượng nước, Xí nghiệp Quản lý duy trì hồ (Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội) vẫn luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Ủy ban Nhân dân (UBND) TP Hồ Chí Minh vừa ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình chống ngập và xử lý nước thải TP Hồ Chí Minh giai đoạn 2024 - 2025.

Cũng ống dò, ống nghe đeo tai, cũng bắt mạch, siêu âm, thăm khám, hội chẩn như bác sĩ, nhưng họ không chữa bệnh, mà đêm đêm lại rong ruổi trên nhiều nẻo đường ở TPHCM tìm bệnh cho những ống nước dưới lòng đất.

Hiện nay, tại Việt Nam có nhiều phương pháp để xử lý nước thải, một trong các phương pháp cho thấy hiệu quả đó là sử dụng tháp Air Stripping. Đây là một công nghệ thích hợp để xử lý nước thải có nồng độ Amoni cao và có các thành phần độc hại khác trong nước thải rỉ rác, chế biến thủy sản, chăn nuôi, sản xuất cao su, sản xuất bột cá…