Thu phí dịch vụ thoát nước: Có hết cảnh ngập lụt?

  • Cập nhật: Thứ hai, 17/8/2020 | 12:34:10 Chiều

Nhiều chuyên gia cho rằng, cần đầu tư hệ thống thoát nước mưa để TP.HCM không còn cảnh ngập rồi mới tính chuyện thu phí thoát nước sinh hoạt.

Mới đây, Sở Xây dựng TP.HCM đã gửi UBND TP.HCM Tờ trình của Sở Xây dựng về việc ban hành giá dịch vụ thoát nước ở TP.HCM giai đoạn 2020 - 2024 sau khi lấy ý kiến nhiều sở ngành liên quan.

Theo đó, giá dịch vụ thoát nước bình quân năm 2020 trên mỗi m3 là 1.430 đồng (chưa gồm thuế giá trị gia tăng); năm 2021 là 2.033 đồng; năm 2022 là 2.694 đồng; năm 2023 là 3.426 đồng và có mức 4.237 đồng vào năm 2024.

Việc thu phí sẽ áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình (gọi chung là hộ thoát nước) có xả nước thải vào hệ thống thoát nước trên thành phố.

Tổng công ty cấp nước Sài Gòn TNHH MTV (Sawaco) sẽ căn cứ vào khối lượng nước sạch tiêu thụ hàng tháng của hộ dân và mức giá dịch vụ thoát nước trên để thu phí thoát nước thông qua hóa đơn tiền nước.

Đối với những hộ thoát nước đã đóng tiền dịch vụ thoát nước thì sẽ không phải trả phí bảo vệ môi trường theo quy định hiện hành đối với nước thải.

Đối với các hộ không sử dụng nước sạch từ hệ thống cấp nước Sawaco sẽ tiếp tục đóng phí bảo vệ môi trường. Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng phương án thu tiền dịch vụ đối với nhóm này.

Nguồn thu từ dịch vụ thoát nước thải được để lại 1% để dành chi trả cho dịch vụ đi thu; đóng các loại thuế và nghĩa vụ tài chính (nếu có). Phần còn lại nộp vào ngân sách để đầu tư, duy trì, phát triển hệ thống thoát nước…


Tăng phí có hết cảnh ngập lụt?

Theo Sở Xây dựng TP.HCM, phương án đề xuất tăng giá dịch vụ thoát nước nêu trên cho giai đoạn 2020 - 2024 và dựa trên ý kiến tham vấn cộng đồng do Ngân hàng thế giới thực hiện, mức thu đề xuất tác động đến thu nhập của người dân, đặc biệt là người nghèo ở mức "có thể chấp nhận được”. Trong đó, phương án tăng trung bình 5%/năm được đánh giá là khả thi, đảm bảo không đột biến gây tác động xã hội đáng kể và không ảnh hưởng đột biến nguồn chi ngân sách trong suốt lộ trình.

Trước đó, từ ngày 15/11/2019, giá bán nước sạch ở thành phố giai đoạn 2019-2022 tăng trung bình 5-7% mỗi năm, sau đề xuất của Sawaco. Sawaco cho biết, giá nước từ năm 2013 đến 2019 chưa được điều chỉnh khiến tình hình tài chính của tổng công ty bị ảnh hưởng khi phải đảm bảo, duy trì tỷ lệ 100% hộ dân được sử dụng nước sạch và thực hiện "nhiệm vụ chính trị, an sinh xã hội".

Hiện tại nhiệm vụ quản lý hệ thống thoát nước do Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật thành phố (trực thuộc Sở Xây dựng) đảm nhiệm, sau khi tổ chức lại 4 khu quản lý giao thông đô thị, Trung tâm Quản lý đường hầm sông Sài Gòn và Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước thành phố.

Tuy nhiên, đa số dư luận và các nhà nghiên cứu lên tiếng phản đối đề xuất của Sở Xây dựng TP.HCM. Nhiều người cho rằng, người dân đã phải trả một khoản phí ngay khi mua hàng để doanh nghiệp đóng các loại phí cho nhà nước. Và như vậy, nếu tính tiếp phí này vào phí dùng nước sinh hoạt sẽ xảy ra tình trạng "phí chồng phí”. Cuối cùng không ngoài ai hết, chính người dân lại tiếp tục phải chịu thêm khoản phí này.

Ý kiến khác cho rằng, phí dịch vụ thành phố tính tương đối cao như vậy nhưng được giữ lại rất thấp, số tiền còn lại không đưa vào đầu tư hạ tầng, trong khi thực tế dân phải sống trong cảnh ngập lụt mỗi lúc mưa đến. Nếu thu thêm phí liệu cơ quan quản lý có cam kết sẽ hết cảnh ngập lụt, ô nhiễm nguồn nước hay không?

Hết ngập rồi hẵng tính đến thu phí thoát nước sinh hoạt

Nói về đề xuất này, chia sẻ với báo Người lao động, KTS Trần Vĩnh Nam (chuyên gia đô thị) cho rằng, có 2 vấn đề cần xem xét trước khi tiến hành việc thu phí thoát nước.

Thứ nhất, ngân sách đóng góp của TP HCM rất cao trong khi việc được phép giữ lại để đầu tư hạ tầng rất thấp.

Thứ hai, nếu TP đầu tư nhà máy xử lý nước thải để không đổ trực tiếp ra kênh, rạch, cải thiện chất lượng hệ thống sông rạch thì việc thu phí sẽ được người dân đồng tình. "Nói một cách dễ hiểu nhất, cần đầu tư hệ thống thoát nước mưa để TP HCM không còn cảnh ngập rồi mới tính chuyện thu phí thoát nước sinh hoạt" - KTS Trần Vĩnh Nam nói.

Còn TS Đinh Thế Hiển (chuyên gia kinh tế) cho rằng, nếu tiếp tục thu giá dịch vụ thoát nước trong giai đoạn này là chưa thuyết phục, việc thu sẽ tạo thêm gánh nặng cho người dân nhất là những người nghèo, chưa kể việc quản lý số tiền thu được phải bảo đảm tính minh bạch.

P.V (tổng hợp)

  •  
Các tin khác

Với cấu trúc nhiều lớp và độ xốp đồng đều, loại màng lọc mới không chỉ có thông lượng nước đặc biệt mà còn giúp loại bỏ các chất gây ô nhiễm một cách hiệu quả.

Đó là một trong những mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 (Dự kiến lần 1) vừa được UBND tỉnh Bắc Giang ban hành.

Dù công việc thoát nước chống úng ngập thành phố rất vất vả nhưng anh Phạm Thành Trung, Tổ trưởng Tổ xử lý chất lượng nước, Xí nghiệp Quản lý duy trì hồ (Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội) vẫn luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Hiện các địa phương tại ĐBSCL đang tăng cường các biện pháp chống ngập vùng nội ô, phát triển đô thị bền vững kết hợp chỉnh trang đô thị.