Cơn mưa chiều tối ngày 17/8 đã khiến nhiều khu vực nội thành Hà Nội ngập nước, phương tiện và người dân di chuyển rất khó khăn trên nhiều tuyến phố ngập sâu. Đặc biệt mưa lớn tập trung ở các khu vực trung tâm nên nhiều khu vực xung quanh Hồ Gươm bị ngập, điều rất ít khi xảy ra ở khu vực này.
Ngày 18/8/2020, trao đổi với Đất Việt về việc khu vực Hồ Gươm bị ngập, PGS.TS Trần Trọng Hanh - nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội đã đưa ra từng giả thiết và dùng phương pháp loại trừ để tìm ra nguyên nhân thực sự dẫn tới hiện tượng bất thường này.
Thứ nhất, những khu vực bị ngập thường có cốt nền thấp. Khi có mưa trên diện rộng. Nước mưa sẽ tự động chảy từ cao xuống thấp, nên các khu vực có cố nền thấp sẽ có nhiều nguy cơ bị ngập hơn so với nơi có cốt nền cao.
Ngã tư trước Tràng Tiền Plaza sát Hồ Gươm ngập sâu.
Tuy nhiên, khu vực Hồ Gươm lại là nơi có cốt nền tương đối cao ở Thủ đô do nằm sát bên bờ sông Hồng. So với các khu vực khác như đường Phạm Hùng (Q. Nam Từ Liêm), Nguyễn Trãi (Q. Thanh Xuân)... thì khu vực Hồ Gươm có cốt nền cao hơn khoảng từ 2 - 4 mét. Vì vậy, nguyên nhân cốt nền bị loại bỏ.
Thứ hai, nguyên nhân ngập thường thấy nhất mà cơ quan chức năng hay nói tới đầu tiên là lượng mưa lớn, đã đến nước đổ về nhiều.
Tuy nhiên, cần phải nhìn nhận từ trước đến nay, khu vực Hoàn Kiếm đón nhận nhiều hơn trận mưa có lượng nước lớn hơn hôm 17/8/2020 rất nhiều nhưng lại không bị ngập. Tại sao hôm qua lại xảy ra tình trạng đáng buồn này?
Từ đó, vị chuyên gia nhận định, nguyên nhân mưa to, lưu lượng nước lớn bị loại trừ.
Thứ ba là do nguyên nhân đô thị hóa. Khu vực Hồ Gươm từ trước đến nay được kiểm soát rất chặt về vấn đề xây dựng. Trong thời gian qua, khu vực Hồ Gươm có thực hiện một số công trình xây dựng kèm theo dự án chỉnh trang đô thị. Điều này cũng có sự tác động ít nhiều đến việc thoát nước ở khu vực này.
Nguyên nhân cuối cùng được PGS.TS Trần Trọng Hanh nhắc tới, đồng thời cũng cho rằng đây là nguyên nhân chính khiến cho khu vực Hồ Gươm bị ngập là do hệ thống thoát nước.
Do hệ thống thoát nước ở khu vực Hồ Gươm được xây dựng lâu đời. Trong khi đó, cả quận Hoàn Kiếm rộng khoảng 80ha, khu vực thoát nước dồn hết về Hồ Gươm. Nhưng nước từ Hồ Gươm thoát đi (thoát tràn và thoát theo đường ống) lại bị ngăn chặn.
Hồ Hoàn Kiếm cũng không thể chứa đủ nước từ các nơi đổ về.
Trong khi thoát tràn đổ vào Hồ Gươm, còn thoát theo đường ống có thể bị tắc bởi rác thải sinh hoạt, rác thải đô thị. Từ đó dẫn tới việc nước đổ về nhưng lại không thoát đi được dẫn tới việc ngập úng tại khu vực này.
"Việc hạ tầng thoát nước yếu, kết hợp với đô thị hóa tại các khu vực xung quanh đã khiến cho Hồ Gươm không có lối thoát. Bị bịt kín 4 xung quanh nên dẫn tới dễ ngập lụt" - ông Hanh bày tỏ.
Vị chuyên gia này cho rằng, việc khu Hồ Gươm bị ngập úng cho thấy một điều đáng báo động ở Thủ đô. Khi mà một khu vực có cốt nền cao, nằm ở vị trí trung tâm mà bị ngập lênh láng như thế thì trong tương lai nếu không được xử lý kịp thời thì điều này sẽ xảy ra thường xuyên và còn làm ngập lây sang các khu vực khác.
Không chỉ ở Hồ Gươm mà nhiều khu vực khác ở TP. Hà Nội cũng đang phải đứng trước nguy cơ ngập mỗi khi mưa đến bởi mật độ xây dựng quá cao. Trong khi bề mặt được bê tông hóa khiến nước mưa không thể thẩm thấu kịp, hạ tầng thoát nước lại không được đầu tư đúng mức, không theo kịp với tốc độ đô thị hóa trên mặt đất, TP. Hà Nội đang đứng trước nguy cơ ngập cục bộ, trên diện rộng.
Để giải quyết vấn đề này, PGS.TS Trần Trọng Hanh cho rằng, cần phải có giải pháp đồng bộ. Từ việc quy hoạch xây dựng trên mặt đất và cải thiện hệ thống thoát nước theo đường ống dưới mặt nước.
Bên cạnh đó, TP. Hà Nội cần có thêm nhiều hồ điều hòa trong nội thành để đảm bảo chứa nước trong thời gian ngắn khi có mưa về, để hệ thống thoát nước không bị quá tải trong lúc cao điểm.
Ngọc Vân/Báo Đất Việt