Chuyện dưới những đường cống

  • Cập nhật: Thứ hai, 26/8/2013 | 2:57:18 Chiều

Những đường cống sâu hút, tối om, đầy chất thải và bốc mùi... là nơi diễn ra công việc hằng ngày của họ. Chẳng ai muốn đến gần họ, nhiều lúc còn dọa đánh... thế nhưng, nếu thiếu họ cuộc sống của cư dân đô thị sẽ bị xáo trộn mỗi khi mùa mưa đến.

Mùa mưa là thời gian cao điểm của những công nhân Công ty thoát nước và xử lý nước thải Đà Nẵng. Song trước đó, công việc của họ đã bắt đầu từ rất lâu, không chỉ "nước đến chân mới nhảy".

Cái nắng nóng hầm hập của những ngày tháng 8 khiến không khí trong đường cống trở nên ngột ngạt, khó thở và bốc mùi nặng hơn... Song điều đó vẫn không ngăn được họ chui vào các đường cống. Ngâm mình trong dòng nước đen ngòm để sửa lại đường cống bị tắt trên đường Tô Ngọc Vân, anh Đoàn Quốc Thiện cười hiền khi tôi đến hỏi chuyện. "Công việc của tụi tôi có gì đâu mà viết báo, suốt ngày quanh quẩn với chất thải và bùn đất thôi", Thiện vừa nói vừa nhờ một đồng nghiệp lau mặt. Gần 10 năm gắn bó với các đường cống, giờ Thiện đã quen với mùi nước thải, nếm trải mọi thứ và thừa kinh nghiệm để xử lý những tình huống xấu dưới đường cống.

Thế nhưng để có được những  kỹ năng nghề nghiệp đó, không ít lần Thiện phải trải nghiệm sự cố chẳng mấy dễ chịu.  "Lần đầu tiên chui xuống cống, tôi đã phải vọt lên ngay vì không chịu được cái mùi đặc trưng của cống. Người ta nói bẩn như cống mà, dưới đó có mọi loại chất thải, từ bùn đất, rác và cả khí độc nữa. Một lần, khi đội của tôi đang móc bùn dưới cống gần hồ Thạc Gián thì có một làn khói mỏng lên, chưa kịp hiểu chuyện gì thì anh em thấy khó thở, tức ngực, may mà lúc đó có người phía trên kéo lên nếu không chẳng biết chuyện gì xảy ra. Còn chuyện đụng phải rắn, rết hay bơm kim tiêm của đối tượng nghiện là chuyện hằng ngày", Thiện kể tiếp.

Nếu ai chưa từng xuống các đường cống, sẽ chẳng hiểu được những nhọc nhằn và nguy hiểm mà người công nhân thoát nước gặp phải. Dưới đường cống là thế giới khác hẳn, ẩm thấp, tối tăm, nơi ở của rắn, rết và các loại khí cacbon, metan... có thể khiến người ta tử vong trong chốc lát. Đâu chỉ có vậy, để khơi thông được một đoạn cống người công nhân phải đối diện với nhiều chuyện khác. Anh Nguyễn Văn Vinh, Đội trưởng đội quản lý, duy tu và sửa chữa (Cty thoát nước và xử lý nước thải Đà Nẵng) có lẽ là người hiểu hơn ai hết nỗi vất cả của người thợ cống.

Từ lúc đô thị Đà Nẵng còn chưa phát triển, chưa có cả công ty lo chuyện  xử lý nước thải thì anh đã là công nhân trong đội nạo vét cống. "Lúc trước hệ thống cống nước thải ở Đà Nẵng nhỏ, hẹp và cũ lắm, nhiều lúc làm còn gặp cả hệ thống cống còn lại từ thời Pháp. Lúc đó mỗi lần chúng tôi nạo vét, phải chui người vào móc từng chút bùn đất mà chẳng có trang phục hay dụng cụ gì bảo hộ cả, cứ tay không thế mà làm. Bây giờ thì khác rồi, hệ thống cống của Đà Nẵng đã được đầu tư nâng cấp, công nhân cũng được trang bị nhiều thiết bị khi làm việc... Nhưng có một điều ít thay đổi đó là cái nhìn của xã hội. Mỗi lần đến cạy nắp cống lên để làm việc thì không ít lần chúng tôi bị người dân ở cung đường đó phản ứng, nhất là những hộ buôn bán vì người ta sợ ảnh hưởng đến kinh doanh. Có khi người ta còn dọa đánh, những lúc như thế phải mời đội quy tắc đô thị đến mới xuống cống làm việc được", anh Vinh tâm sự.

Ở các đô thị, việc đảm bảo cho đường cống thông suốt  quan trọng chẳng kém việc chống kẹt xe trên các tuyến đường. Bởi cống nghẹt thì đường ngập, cuộc sống của người dân sẽ ảnh hưởng nhưng dường như chẳng nhiều người quan tâm đến điều đó. Người ta vô tư đổ rác thải vào cống, xâm hại các công trình thu gom xử lý nước thải. Anh Thiện kể: "Nhiều trường hợp người dân xả phân và rác trực tiếp ra cống thoát nước, gặp đoạn cống đó anh em công nhân phải dọn rất vất vả, nhưng khi góp ý thì còn bị gia đình đó phản ứng.  Còn chuyện nắp cống bị đập phá, mất lưới chắn rác thì xảy ra thường xuyên nhưng để buộc người xâm hại đường cống bồi thường rất khó, trong cả ngàn trường hợp thì chỉ xử lý được hai ba vụ".

Đội của anh Đoàn Quốc Thiện đang sửa chữa cống bị tắc trên đường Tô Ngọc Vân.

Đội của anh Đoàn Quốc Thiện đang sửa chữa cống bị tắc trên đường Tô Ngọc Vân.

Đội của anh Đoàn Quốc Thiện đang sửa chữa cống bị tắc trên đường Tô Ngọc Vân.

Đội của anh Đoàn Quốc Thiện đang sửa chữa cống bị tắc trên đường Tô Ngọc Vân.

Đội của anh Đoàn Quốc Thiện đang sửa chữa cống bị tắc trên đường Tô Ngọc Vân.
Đội của anh Đoàn Quốc Thiện đang sửa chữa cống bị tắc trên đường Tô Ngọc Vân.

Trong nhiều năm qua, Đà Nẵng là một trong những thành phố chú trọng đầu tư, nâng cấp hệ thống cống thoát nước và xử lý nước thải, vì vậy mà đã khắc phục được một phần tình trạng ngập úng. Ông Mai Mã, Giám đốc Cty thoát nước và xử lý nước thải Đà Nẵng cho biết, trước mùa mưa năm nay Cty cơ bản đã xử lý hết ngập 25 điểm từng là điểm đen về ngập úng trên địa bàn thành phố và giảm ngập được 12 điểm. "Để xử lý được chừng đó điểm ngập là một nỗ lực lớn của thành phố, cũng như của anh em công nhân. Nhìn các thành phố khác bị ngập nặng mỗi khi mưa xuống, trong khi Đà Nẵng rất ít bị ngập mới thấy hết được ý nghĩa công việc của những người thợ cống. Công việc của anh em công nhân vất vả nên Cty luôn quan tâm và tạo điều kiện để họ yên tâm làm việc, mọi khoản hỗ trợ, trang phục bảo hộ đều được chăm lo đầy đủ", ông Mã khẳng định.

Với mục tiêu xây dựng thành phố môi trường, Đà Nẵng đã và đang từng bước xây dựng hệ thống thoát nước và xử lý nước thải hiện đại. Trong dự án "Phát triển bền vững thành phố Đà Nẵng", thành phố sẽ tập trung cải thiện hệ thống thoát nước mưa và nước thải. Trong đó, xây dựng trạm xử lý nước thải Liên Chiểu, công suất 40.000m3/ngày đêm bằng công nghệ bùn hoạt tính; nâng công suất trạm xử lý nước thải Hòa Xuân từ 20.000m3/ngày đêm lên 40.000m3/ngày đêm; cải tạo điều kiện vận hành cho trạm xử lý nước thải Hòa Cường, Phú Lộc, Ngũ Hành Sơn và Sơn Trà... Điều đó sẽ giúp thu gom và xử lý nước thải hiệu quả hơn và sẽ không còn các điểm ngập úng khi mùa mưa đến và công việc của những người thợ cống có phần dễ dàng hơn.

"Dù máy móc hiện đại đến  mấy cũng không thể thay thế con người, nhất là trong bối cảnh hệ thống thoát nước đối mặt với những nhận thức còn hời hợt của người dân hiện nay. Chắc hẳn, người thợ cống vẫn phải ra tay thôi", anh Nguyễn Văn Vinh nhận định.

Minh Hà

  •  
Các tin khác

Với cấu trúc nhiều lớp và độ xốp đồng đều, loại màng lọc mới không chỉ có thông lượng nước đặc biệt mà còn giúp loại bỏ các chất gây ô nhiễm một cách hiệu quả.

Đó là một trong những mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 (Dự kiến lần 1) vừa được UBND tỉnh Bắc Giang ban hành.

Dù công việc thoát nước chống úng ngập thành phố rất vất vả nhưng anh Phạm Thành Trung, Tổ trưởng Tổ xử lý chất lượng nước, Xí nghiệp Quản lý duy trì hồ (Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội) vẫn luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Hiện các địa phương tại ĐBSCL đang tăng cường các biện pháp chống ngập vùng nội ô, phát triển đô thị bền vững kết hợp chỉnh trang đô thị.