Chôn ống để xả lén nước thải

  • Cập nhật: Thứ sáu, 13/9/2013 | 10:44:15 Sáng

Để qua mặt cơ quan chức năng, chủ cơ sở thuộc da trâu, da bò thuê người chôn đường ống nối từ hầm chứa nước thải đi qua ruộng rau muống của người dân để thải thẳng ra kênh An Hạ, đoạn qua địa bàn xã Tân Thới Nhì, huyện Hóc Môn, TP HCM

“Từ ngày có cơ sở thuộc da này, đoạn kênh An Hạ dài hàng trăm mét liên tục bị nhuộm đen và bốc mùi hôi thối không chịu nổi. Cứ 1-2 ngày, họ lại xả thải, có khi ngày nào cũng xả khiến người dân phải tìm cách sơ tán” - ông Hoàng Văn Tưởng, sinh sống trong khu vực này, bức xúc.

Một lần xả thải, đen cả đoạn kênh

Ngoài ông Tưởng, hàng chục hộ dân sống dọc đường Đặng Công Bỉnh - nơi có kênh An Hạ đi qua và các hộ sống sát cơ sở thuộc da - cho biết đã nói hoài mà chủ cơ sở vẫn... im re. Theo ông Trần Văn Ri, đại biểu HĐND xã Tân Thới Nhì, người dân bức xúc là đúng bởi nước thải thuộc da trâu, bò không chỉ làm ô nhiễm kênh mà còn ảnh hưởng sức khỏe người dân, ảnh hưởng nguồn nước ngầm. Chưa kể, cả một đoạn ống dài từ hầm chứa nước thải của cơ sở này nằm sát và đi qua ruộng rau muống rộng gần 2.000 m2 liệu có an toàn cho người sử dụng?

Dẫn chúng tôi đi sâu vào ruộng rau muống nằm cách kênh An Hạ hơn 300 m, chỉ tay vào đám rau muống đang mọc xanh tốt, nhiều người dân cho biết trước đây, chủ cơ sở còn đấu nối một ống nhựa từ hầm chứa nước thải ra kênh 1, bị người dân phản ứng nên đã tháo bỏ, giờ chỉ xả thải qua ống còn lại.
 
Bất chấp sình lầy, ông N. (người thuê đất trồng rau muống ở đây) lội xuống ruộng, vạch bùn đất cho chúng tôi xem đoạn ống nhựa nằm phía dưới và nói: “Mấy ngày trước thấy có người xuống chụp hình, quay phim nên bà chủ cơ sở nhờ người lấp lại!”. Lần theo đoạn ống này, chúng tôi tìm đến miệng ống được nối với hầm chứa nước thải của cơ sở thuộc da cách đó gần 300 m, bên trong hầm cỏ mọc dày đặc, bốc mùi nồng nặc. Theo ông N., cách đây 2 năm, chính ông được bà chủ khu đất thuê đặt đường ống khi cơ sở thuộc da này đi vào hoạt động.

Không có giấy phép vẫn hoạt động gần 2 năm

Sau khi nhận thông tin từ phóng viên Báo Người Lao Động, Phòng Tài nguyên và Môi trường UBND huyện Hóc Môn đã cử cán bộ phối hợp với UBND xã Tân Thới Nhì tiến hành kiểm tra cơ sở thuộc da trên, đồng thời yêu cầu chủ cơ sở ngưng hoạt động. Ông Hồ Minh Dương, Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường, cho biết: Cơ sở do ông Nguyễn Văn Có làm chủ, thuê khu đất của bà Kim Thị Thành Tươi hoạt động từ đầu năm 2012 đến cuối tháng 8-2013 thì bị UBND xã đình chỉ hoạt động. Tại thời điểm kiểm tra ngày 10-9, chủ cơ sở không xuất trình được giấy phép đăng ký kinh doanh. Theo ông Dương, dù có giấy phép thì cơ sở này cũng không được hoạt động vì nằm trong khu dân cư.

Vì sao một cơ sở không có giấy phép lại tồn tại gần 2 năm trong khu dân cư, đầu độc kênh An Hạ trong khoảng thời gian dài? Theo ông Dương, trước đó Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện đã kiểm tra và có biên bản xử phạt vi phạm hành chính, đồng thời giao UBND xã giám sát, nếu chủ cơ sở vi phạm về xả thải thì báo ngay cho phòng nhưng mỗi lần xuống kiểm tra thì cơ sở này ngưng hoạt động nên không thể xử phạt hay đình chỉ (?!).

Ông Hồ Minh Dương khẳng định: “Chúng tôi đã có văn bản giao UBND xã và tổ nhân dân, đồng thời đề nghị Đội Cảnh sát môi trường Công an huyện Hóc Môn phối hợp giám sát, tránh trường hợp chủ cơ sở lén lút hoạt động vào ban đêm. Chủ cơ sở cũng đã cam kết sẽ bán máy móc và ngưng hoạt động”.

Đã dẹp cơ sở sản xuất phân bón, cồn...

Đi sâu vào khu nhà xưởng rộng hàng ngàn mét vuông của bà Kim Thị Thành Tươi, ngoài dãy nhà trọ cho công nhân thuê còn rất nhiều nhà xưởng bỏ trống, nhiều cái đã tháo dỡ mái. Trước đây, bà Tươi cho một số người thuê để sản xuất cồn, phân bón... cũng gây ô nhiễm tương tự khiến người dân bức xúc. Những cơ sở này sau đó bị UBND huyện Hóc Môn đình chỉ hoạt động và di dời đi nơi khác hơn 6 tháng nay.

Bài và ảnh: THU HỒNG
  •  
Các tin khác

Với cấu trúc nhiều lớp và độ xốp đồng đều, loại màng lọc mới không chỉ có thông lượng nước đặc biệt mà còn giúp loại bỏ các chất gây ô nhiễm một cách hiệu quả.

Đó là một trong những mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 (Dự kiến lần 1) vừa được UBND tỉnh Bắc Giang ban hành.

Dù công việc thoát nước chống úng ngập thành phố rất vất vả nhưng anh Phạm Thành Trung, Tổ trưởng Tổ xử lý chất lượng nước, Xí nghiệp Quản lý duy trì hồ (Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội) vẫn luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Hiện các địa phương tại ĐBSCL đang tăng cường các biện pháp chống ngập vùng nội ô, phát triển đô thị bền vững kết hợp chỉnh trang đô thị.