Hà Nội: Khoảng 10% nước thải đổ ra sông chưa qua công đoạn xử lý

  • Cập nhật: Thứ ba, 17/3/2015 | 3:27:11 Chiều

(tapchicapthoatnuoc.vn)- Hiện nay, nước sông trên địa bàn Hà Nội đang bị ảnh hưởng bởi 10% nước thải đô thị chưa qua công đoạn xử lý hoặc pha loãng; trong khi đó, khoảng 36% nước thải chưa qua xử lý cũng đổ ra các hồ, gây ô nhiễm nguồn nước tại nhiều khu vực.

Đây là một trong những kết quả của Dự án nghiên cứu hợp tác CREST "Phát triển hệ thống sử dụng nước đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu" do Trường Đại học Xây Dựng của Việt Nam phối hợp với Trường Đại học Tokyo (Nhật Bản) thực hiện, vừa được công bố ngày 3/3, tại hội thảo về nguồn nước và vấn đề cấp nước cho thành phố Hà Nội.

 

Theo tiến sĩ Keisuke Kuroda, Viện nghiên cứu môi trường quốc gia (Nhật Bản), nước thải là nguồn gây ra các chất ô nhiễm mới trong môi trường nước. Tại Hà Nội, hiện nay nước ngầm là nguồn cung cấp nước sinh hoạt chính cho người dân, tuy nhiên tại nhiều khu vực, nước ngầm lại đang bị ô nhiễm bởi asen. Việc nước ngầm bị nhiễm asen, khi sử dụng có thể gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe.

 

Không chỉ nước ngầm, nguồn nước mặt tại các sông, hồ của Hà Nội cũng đang bị ô nhiễm bởi các loại loại thuốc và sản phẩm chăm sóc con người (PPCPs). Kết quả nghiên cứu đối với 41 mẫu nước tự nhiên và nước đã qua xử lý của Viện nghiên cứu môi trường quốc gia cũng cho thấy sự xuất hiện của 60 loại PPCPs.

 

Về phía Việt Nam, Phó giáo sư tiến sĩ Trần Đức Hạ, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Cấp thoát nước và Môi trường (Đại học Xây dựng) cũng khẳng định, đô thị hóa và công nghiệp hóa là một trong những nguyên nhân làm thay đổi sự phân bố tài nguyên nước mặt, nước ngầm và cân bằng nước.

 

Theo ông Hạ, hiện nay, mỗi ngày, 770 đô thị xả ra sông với tổng nước thải khoảng 5,2 triệu m3, nhưng mới chỉ có 24 nhà máy xử lý nước thải với tổng công suất khoảng 550 ngìn m3/ngày. Trong đó, Hà Nội là một trong những đô thị có nguồn nước bị ô nhiễm asen nặng nhất.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, chất lượng nguồn nước mặt sông chính như sông Hồng, sông Đuống, và sông Đáy không đảm bảo, không ổn định và khó kiểm soát.

 

Trong khi đó, các nhà máy xử lý nước thải lại  hoạt động không hiệu quả. Đơn cử như các nhà máy xử lý nước thải Kim Liên, Trúc Bạch quá nhỏ; các nhà máy Yên Sở, Đông Anh không hiệu quả về chất lượng và công suất; các nhà máy xử lý nước thải Hồ Tây, Hồ Bảy Mẫu lại đang trong giai đoạn vận hành thử và xây dựng...

 

Trước thực trạng ô nhiễm nguồn nước nêu trên, lãnh đạo Viện nghiên cứu Cấp thoát nước và Môi trường cho rằng Hà Nội cần có những biện pháp kịp thời xử lý chất thải từ các nhà máy, chất thải sinh hoạt, hỗ trợ và cung cấp đủ nước sạch cho người dân đồng thời tạo dựng mối quan hệ hợp tác và chia sẻ giữa các cơ quan bảo vệ môi trường, các doanh nghiệp, cộng đồng dân cư.

 

Từ kinh nghiệm của Nhật Bản, tiến sĩ Keisuke Kuroda cho rằng để ngăn chặn tình trạng ô nhiễm nguồn nước mặt và theo đó là nước ngầm, các khu vực đô thị cần xả và xử lý nước thải một cách phù hợp đồng thời các cơ quan quản lý cũng cần nỗ lực hơn để bảo vệ nguồn nước, xử lý nước sạch phù hợp và tránh lây nhiễm chéo.

 

Ngoài ra, tiến sĩ Keisuke Kuroda cũng khuyến nghị, Hà Nội cần nạo vét bùn và kênh mương thường xuyên để tăng bổ cập nguồn nước ngầm, cải thiện chất lượng nước thấm qua, bởi điều này có thể giảm thiểu ô nhiễm nước ngầm do asen./.

 

Dự án nghiên cứu hợp tác CREST "Phát triển hệ thống sử dụng nước đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu" do Trường Đại học Xây Dựng của Việt Nam phối hợp với Trường Đại học Tokyo, cùng một số trường đại học và cơ sở nghiên cứu khác của Nhật Bản thực hiện trong giai đoạn từ 2009-2014. Đây là dự án nằm trong Chương trình nghiên cứu khoa học trọng điểm do Cơ quan Khoa học và Công nghệ Nhật Bản (JST) tài trợ, gọi tắt là dự án CREST (Core Research for Evolutional Science and Technology).

 

Mục tiêu của dự án này nhằm làm sáng tỏ các vấn đề quản lý nguồn nước hiện tại và trong tương lai của thành phố Hà Nội; đề xuất các chiến lược thích ứng tổng hợp để giải quyết các rủi ro trong tương lai gây ra bởi quá trình phát triển kinh tế xã hội và biến đổi khí hậu.

Dự án này cũng hướng đến việc nâng cao năng lực cho nghiên cứu viên Việt Nam đồng thời chuyển giao công nghệ và kiến thức qua các hoạt động hợp tác khoa học trong lĩnh vực Quản lý nước và Kỹ thuật giữa hai trường.

 

                                                                                  vietnamplus.vn

  •  
Các tin khác

Với cấu trúc nhiều lớp và độ xốp đồng đều, loại màng lọc mới không chỉ có thông lượng nước đặc biệt mà còn giúp loại bỏ các chất gây ô nhiễm một cách hiệu quả.

Đó là một trong những mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 (Dự kiến lần 1) vừa được UBND tỉnh Bắc Giang ban hành.

Dù công việc thoát nước chống úng ngập thành phố rất vất vả nhưng anh Phạm Thành Trung, Tổ trưởng Tổ xử lý chất lượng nước, Xí nghiệp Quản lý duy trì hồ (Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội) vẫn luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Hiện các địa phương tại ĐBSCL đang tăng cường các biện pháp chống ngập vùng nội ô, phát triển đô thị bền vững kết hợp chỉnh trang đô thị.