Cát ở ĐBSCL: Giải pháp xây dựng đô thị khi thiếu cát

  • Cập nhật: Thứ ba, 7/11/2023 | 9:11:13 Sáng

Ông Huỳnh Văn Sáu, Phó giám đốc Sở Xây dựng Cần Thơ cho rằng “thông tin cát sông ở ĐBSCL đang cạn nguồn đã nói lên những vấn đề thách thức lớn trong xây dựng đô thị, cần có giải pháp trong tương lai”.

Giá nhà sẽ ngày một đắt đỏ do vật liệu xây dựng, trong đó có cát, ngày càng hiếm
Giá nhà sẽ ngày một đắt đỏ do vật liệu xây dựng, trong đó có cát, ngày càng hiếm - Ảnh: Văn Kim Khanh

Vậy đô thị mới ở trong tương phải như thế nào để thích ứng với biến đổi khi hậu và khi cát không còn là vật liệu xây dựng chính nữa? Cát xây dựng, san lấp cho đô thị mới ngày càng hiếm, giá tăng cao, đó là một thực tế nhiều khó khăn. Vì thế xây dựng đô thị trong tương lai ở ĐBSCL dự báo sẽ có nhiều điểm rất mới. Đô thị mới trong tương lai phải giữ lại ao hồ kênh rạch, vừa làm cảnh quan vừa tạo điều kiện cho lưu thông nước bình thường. Đó là khu đô thị sử dụng đất cát tại chỗ bằng hình thức đào đắp. Cát xây dựng và cát san lấp sử dụng trong khu đô thị sẽ giảm. Ao hồ kênh rạch, cảnh quan môi trường được quy hoạch trở thành đô thị xanh. Kè cứng và kè mềm sẽ được xây dựng trong những khu đô thị và khu dân cư mới sẽ tạo ra một không gian đô thị xanh.

Cát ở ĐBSCL được dự báo sẽ mau chóng cạn kiệt
Cát ở ĐBSCL được dự báo sẽ mau chóng cạn kiệt - Ảnh: L.Đ.T

Để tạo ra những khu đô thị mới, thiết nghĩ TP.Cần Thơ và các tỉnh ĐBSCL sớm đưa ra những tiêu chuẩn và khuyến khích các nhà đầu tư xây dựng những khu dân cư mới kiểu mẫu, theo tiêu chuẩn sinh thái, phù hợp với biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Có thể gọi những khu như vậy là khu đô thị sinh thái. Những khu đô thị này không xây dựng toàn bộ nhà phố theo kiểu liên kế, vật liệu nặng mà xây dựng nhà 2 - 3 tầng liên kế bằng vật liệu công nghệ mới nhẹ. Cũng có thể xây dựng nhà cao cẳng (nhà sàn) thích nghi với biến đổi khí hậu, nước biển dâng.

Mô hình khu đô thị sinh thái
Mô hình khu đô thị sinh thái - Ảnh: Internet

Những khu dân cư mới thuận thiên như vậy sẽ hạn chế tình trạng ngập nghẹt, hạn chế sử dụng cát khối lượng lớn, giúp cho vùng ĐBSCL tránh được tình trạng sạt lở. Nếu con người tăng cường khai thác cát với quy mô ngày càng lớn thì sạt lở sẽ ngày càng tăng. Vì vậy những khu dân cư sinh thái sẽ góp phần bảo vệ môi trường, giảm nguy cơ biến đổi khí hậu.

Ông Nguyễn Minh Trí, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại, dịch vụ địa ốc Tín Phát cho rằng: "Xây dựng đô thị sinh thái phù hợp với biến đổi khí hậu đòi hỏi sự đóng góp lớn về khoa học công nghệ. Để xây dựng những khu đô thị mới trong tương lai, ngoài việc quy hoạch, kiến trúc, cần lắm sự đóng góp tích cực của khoa học công nghệ, nhất là việc đầu tư phát triển những vật liệu mới để thay thế cát và vật liệu cũ trong xây dựng”.

Cát - vật liệu chính trong xây dựng đô thị sẽ ngày càng hiếm và đắt đỏ
Cát - vật liệu chính trong xây dựng đô thị sẽ ngày càng hiếm và đắt đỏ - Ảnh: Internet

Khi chúng ta hạn chế những nhà khối bê tông nặng nề thì vật liệu mới nào sẽ thay thế vật liệu cũ? Ở các nước Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản… những vật liệu xây dựng sinh ra từ công nghệ mới đã phục vụ rất tốt phát triển đô thị. Khi phát triển quy mô những khu đô thị mới trong tương lai phù hợp với môi trường sinh thái, cần số lượng rất lớn những vật liệu xây dựng loại mới này. Đây là cơ hội cho những doanh nghiệp quan tâm đầu tư sản xuất vật liệu xây dựng bằng công nghệ mới. Từ tấm lợp, sườn nhà, trần nhà đến vách ráp thay thế tường…, vật liệu mới phải làm sao đáp ứng được các tiêu chí giá thành cạnh tranh, bền chắc, có tính đại chúng, để người dân và doanh nghiệp làm quen, tin tưởng, dần thay thế vật liệu cũ.

Mô hình khu đô thị sinh thái cho vùng ĐBSCL trong tương lai
Mô hình khu đô thị sinh thái cho vùng ĐBSCL trong tương lai - Ảnh: Internet

Cũng theo ông Nguyễn Minh Trí, từ quy hoạch đến việc nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ vào xây dựng các khu dân cư sinh thái là một quá trình. Điều này sẽ góp phần làm cho giá thành đầu tư nhà ở tại các dự án mới rất cạnh tranh, dễ thu hút đông đảo cư dân có mức thu nhập trung bình khá. Về lâu dài những khu dân cư này sẽ có giá trị gia tăng cao so với đầu tư ban đầu. Bằng chứng là khu dân cư quanh hồ Xáng Thổi và hồ Búng Xáng ở TP.Cần Thơ hiện nay, giá trị gia tăng rất cao so với 10 năm trước.

Theo Văn Kim Khanh/1thegioi.vn
  •  
Các tin khác

UBND tỉnh Nghệ An vừa công bố Kế hoạch quản lý và bảo vệ môi trường cho Khu Dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An đến năm 2027, với tầm nhìn và mục tiêu định hướng đến năm 2030.

Tỉnh Quảng Nam là địa phương đầu tiên tại Việt Nam được Chính phủ đồng ý thực hiện Đề án thí điểm kinh doanh tín chỉ carbon rừng, thời gian thực hiện từ năm 2021 - 2025. Tuy nhiên, địa phương vẫn đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc để hiện thực hóa tham vọng thu về triệu đô từ việc trồng và bảo vệ rừng bền vững.

Bộ NN&PTNT phối hợp với UBND tỉnh Quảng Ninh vừa tiến hành thả 5 triệu con giống xuống vịnh Bắc Bộ.

Trong nỗ lực bảo tồn loài hoang dã, ngày 7/3, Vườn Quốc gia Tràm Chim đã bất ngờ ghi nhận sự xuất hiện của 4 cá thể Sếu đầu đỏ quay trở về kiếm ăn tại đây.