Đổi mới công nghệ và quản lý để nâng cao chất lượng dịch vụ cấp thoát nước

  • Cập nhật: Thứ sáu, 11/8/2017 | 5:03:01 Chiều

Đó là nội dung chính của Hội thảo sáng 10/8/2017 tại Hà Nội do Hội Cấp thoát nước Việt Nam phối hợp cùng Công ty UBM tổ chức với chủ đề “Nâng cao chất lượng dịch vụ cấp thoát nước thông qua cải tiến, đổi mới công nghệ và các giải pháp quản lý hiệu quả”. Đây là hội thảo nằm trong chuỗi hoạt động trước Triển lãm VIETWATER 2017 được tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh vào tháng 11 tới.


Ông Cao Lại Quang - Chủ tịch Hội Cấp thoát nước Việt Nam và ông M.Gandhi - Giám đốc UBM Asia Khu vực Đông Nam Á  trao đổi với khách tham dự trước giờ Hội thảo

Hội thảo quy tụ nhiều chuyên gia hàng đầu trong ngành cấp thoát nước. Tham dự hội thảo có khoảng hơn 160 đại biểu là các nhà khoa học, nhà quản lý đến từ Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên môi trường, Hội Cấp thoát nước Việt Nam cùng đại diện các ban ngành, tổ chức liên quan và các công ty đang hoạt động trong lĩnh vực cấp thoát nước trên toàn quốc.

Hội thảo đã nêu ra được nhu cầu cải tiến, đổi mới công nghệ và quản lý hiệu quả hệ thống cấp thoát nước, những định hướng và những chính sách mới về ngành nước của Việt Nam, hướng tới xây dựng Luật cấp nước trong thời gian tới.



Toàn cảnh hội thảo

Từ nhu cầu và những định hướng ấy, các diễn giả tham dự Hội thảo đã đưa ra những đề xuất, ý tưởng, định hướng phát triển của ngành nước trong thời gian tới, những kinh nghiệm trong triển khai cấp nước an toàn hướng tới uống nước tại vòi, những khó khăn, thách thức và kinh nghiệm trong thoát nước và xử lý nước thải, những giải pháp và công nghệ mới để nâng cao chất lượng và hiệu quả dịch vụ cấp nước. 

Theo ông Cao Lại Quang - Chủ tịch Hội Cấp thoát nước Việt Nam: Lĩnh vực cấp thoát nước và vệ sinh môi trường đã có những bước phát triển hết sức tích cực, tuy nhiên hệ thống cấp thoát nước của chúng ta còn nhiều bất cập, thiếu đồng bộ, chưa theo kịp với tốc độ đô thị hóa, phạm vi phục vụ ở nhiều địa phương còn thấp, tỉ lệ thất thoát, thất thu còn cao 23%, chất lượng nước nhiều nơi còn hạn chế, tỉ lệ xử lý nước thải qua các trạm xử lý tập trung còn thấp, mới đạt 12% nước thải chưa được xử lý, thải trực tiếp ra môi trường đang gây ô nhiễm nghiêm trọng, việc úng ngập ở các thành phố lớn cũng đang gây bức xúc cho người dân và cộng đồng. Bên cạnh đó ngành CTN còn đang đối mặt với những thách thức rất lớn như ô nhiễm nguồn nước, hạn hán, xâm nhập mặn, nguồn lực đầu tư, năng lực quản lý….

Vì vậy, để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả dịch vụ cấp thoát nước thì việc đổi mới các công nghệ, áp dụng các giải pháp quản lý hiệu quả là công việc cấp thiết và thường xuyên của doanh nghiệp ngành nước. 



Rất nhiều vấn đề liên quan được các đại biểu trao đổi thảo luận



Lãnh đạo VWSA và UBM Asia chụp ảnh lưu niệm cùng các đại biểu tham dự

Đại diện công ty UBM, đơn vị tổ chức Triển lãm VIETWATER 2017 cho biết: Hội thảo được xem là sự kiện quan trọng, mở đầu cho Triển lãm VIETWATER từ ngày 8-10/11/2017 tại TP HCM nhằm mang đến nhiều công nghệ, kỹ thuật và giải pháp hàng đầu của ngành nước. Triển lãm sẽ có hơn 450 gian trưng bày của 38 quốc gia và khu vực. Quy mô VIETWATER năm nay sẽ tăng 30 % so với năm 2016.

Trong năm nay, hội thảo về năng lượng tái tạo cũng sẽ tiếp tục được tổ chức song song với VIETWATER.

Bài - ảnh: Hà Thắm
  •  
Các tin khác

Biến đổi khí hậu hiện nay đang làm gia tăng các áp lực tới các hệ sinh thái của đất ngập nước. Thực trạng đó đặt ra yêu cầu cấp thiết là phục hồi đất ngập nước để tăng cường khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu.

Nghiên cứu sinh Nguyễn Ngọc Mỹ và giáo sư Minha Choi tại Trường Kỹ thuật dân dụng, kiến trúc và Hệ thống môi trường, Đại học Sungkyunkwan (Hàn Quốc) đã tìm ra mối tương quan giữa hạn chớp nhoáng và El Niño tại Việt Nam.

Các nhà khoa học từ Đại học Quốc gia Hà Nội, Viện Hàn lâm KH&CN, Viện Tài nguyên và Môi trường TP.HCM đã hợp tác nghiên cứu và tìm ra phương pháp mới để thăm dò và dự báo tiềm năng nước ngầm.

Thông qua việc thực hiện thành công đề tài “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ bể sinh học có giá thể di động (MBBR) trong xử lý sinh học kỵ khí nước thải nhà máy sản xuất giấy bao bì công nghiệp”, các nhà khoa học thuộc Viện Công nghiệp Giấy và Xenluylô (Bộ Công Thương) đã xây dựng được quy trình công nghệ xử lý sinh học kỵ khí nước thải nhà máy sản xuất giấy bao bì công nghiệp, có ứng dụng công nghệ MBBR, góp phần nâng cao hiệu quả xử lý sinh học kỵ khí tại nhà máy giấy.