Cơ quan chức năng lý giải vì sao liên tục xảy ra động đất

  • Cập nhật: Thứ tư, 17/7/2024 | 3:39:27 Chiều

Ngày 12/7, tại Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, các nhà khoa học đã tổ chức họp báo, thông tin về kết quả hoạt động KH&CN 6 tháng đầu năm 2024.

Tại buổi họp báo, các nhà khoa học đã giải thích nguyên nhân và tình hình động đất đang gia tăng trên lãnh thổ và vùng biển Việt Nam. Với 142 trận động đất được ghi nhận từ đầu năm đến ngày 10/7, đây là một vấn đề cấp bách cần được làm rõ.

PGS.TS Trần Tuấn Anh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2024, Viện Hàn lâm đã hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được Chính phủ và Thủ tướng giao phó, đặc biệt là việc vận hành Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần. Trung tâm đã ghi nhận 142 trận động đất với độ lớn từ 2,5 đến 4,1 độ theo thang Mô men. Đáng chú ý, 24 trận động đất có độ lớn M ≥ 3,5 đã được thông báo đầy đủ trên các phương tiện truyền thông.


Đồ hoạ động đất 4 độ Richter xảy ra tại huyện Mỹ Đức, cách trung tâm Hà Nội khoảng 50 km. Ảnh: vnexpress

Trong số đó, trận động đất mạnh 4 độ Richter tại huyện Mỹ Đức, Hà Nội ngày 25/3 đã khiến người dân lo lắng. TS. Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng Viện Vật lý Địa cầu, cho biết đây là dấu hiệu cho thấy hoạt động động đất vẫn đang tiếp diễn trên đứt gãy sông Hồng và sông Chảy, nơi đã từng ghi nhận động đất trên 5 độ Richter trong quá khứ.

Ông Nguyễn Xuân Anh giải thích, trong 142 trận động đất, có 10 trận là động đất tự nhiên xảy ra trên các đới đứt gãy do năng lượng tích lũy đến mức bùng phát. "Động đất lớn ít khi xuất hiện và chu kỳ lặp lại dài, trong khi các trận động đất nhỏ thường xảy ra thường xuyên hơn," ông nói. Điều này giải thích tại sao các trận động đất nhỏ dưới 4 độ Richter thường xuyên được ghi nhận.

Trước tình hình này, TS. Nguyễn Xuân Anh cho biết Viện Vật lý Địa cầu sẽ tiến hành làm lại bản đồ phân vùng động đất và đánh giá lại rủi ro động đất trên cả nước. "Đặc biệt ở Hà Nội, động đất nhỏ cũng có thể gây hậu quả lớn do mật độ xây dựng dày đặc và số lượng nhà cao tầng nhiều. Việc rà soát và đánh giá lại rủi ro là cần thiết để có biện pháp phòng ngừa hiệu quả," ông nói thêm.

Ông cũng khuyến nghị Hà Nội nên lắp đặt hệ thống quan trắc động đất ở các khu nhà cao tầng để phòng ngừa những rủi ro có thể xảy ra. "Với thiết bị hiện đại và công cụ xử lý số liệu tự động, chúng ta có thể định vị động đất trong khoảng 3-5 phút sau khi xảy ra," ông nhấn mạnh.

Hiện nay, Viện Vật lý Địa cầu duy trì mạng lưới quan trắc động đất toàn quốc với 40 đài, trạm địa chấn, 4 đài trạm địa từ, 7 trạm định vị sét và vật lý khí quyển, cùng nhiều trạm quan trắc khác. Những nỗ lực này đảm bảo việc giám sát và cảnh báo sớm để giảm thiểu thiệt hại do thiên tai.

TÙNG LÂM
  •  
Các tin khác

Tên Yagi, được sử dụng để đặt cho năm cơn bão nhiệt đới ở Tây Bắc Thái Bình Dương và Nhật Bản, có nguồn gốc từ tiếng Nhật, nghĩa là “con dê” hoặc “chòm sao Ma Kết”.

Sự gia tăng nhiệt độ khiến lượng carbon thải ra từ đất tăng từ 7% đến 17% tùy mức độ ấm lên. Hiện tượng này là do các vi sinh vật trong đất hô hấp và chuyển hóa carbon thành CO2.

Sản phẩm cấu kiện bê tông thương hiệu AMACCAO

Tiên phong ứng dụng mô hình kinh tế tuần hoàn và công nghệ hàng đầu, Châu Âu Nam (AMACCAO) ghi dấu ấn với loạt giải pháp vật liệu, sản phẩm mới, đáp ứng xu thế phát triển ngành xây dựng, mở ra lời giải cho bài toán xây dựng bền vững, tiết kiệm.

Chia sẻ với KTSG Online, ông Đỗ Anh Dũng, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Đông Đô, đã kể về cách tận dụng nguồn rác thải nhựa để thay thế nguồn nguyên liệu gỗ dùng làm ván xây dựng.