Nhiều khu, cụm công nghiệp ở Thái Bình chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung

  • Cập nhật: Thứ hai, 3/6/2013 | 9:12:37 Sáng

Tỉnh Thái Bình hiện có 6 khu công nghiệp được phê duyệt quy hoạch chi tiết, đi vào hoạt động. Tuy nhiên, hiện mới chỉ có 2 khu công nghiệp đầu tư xây dựng khu xử lý nước thải tập trung; một khu công nghiệp đang đầu tư xây dựng; 3 khu công nghiệp còn lại chưa có khu xử lý nước thải. Tất cả 30 cụm công nghiệp ở Thái Bình cũng chưa xây dựng khu xử lý nước thải tập trung.

Tổ 4, xã Phú Xuân (TP. Thái Bình) có lẽ là khu dân cư duy nhất của tỉnh Thái Bình bao bọc 4 xung quanh bởi các nhà máy xí nghiệp. Ông Trần Dũng - một người dân sống tại đây cho biết: kể từ khi 2 khu công nghiệp Nguyễn Đức Cảnh và Phúc Khánh ra đời, người dân ở đây luôn trong tình cảnh "ngày đêm sống chung với ô nhiễm". Con sông Bạch trước kia vốn hiền hòa, thân thiện với cư dân nơi đây, nhưng giờ nó đã trở thành mối đe dọa và ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe, cuộc sống của người dân bởi nước thải từ các doanh nghiệp trong khu công nghiệp chảy ra sông bốc mùi, nhất là vào những ngày nắng nóng. 

Ông Trần Ngọc Tuấn - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Thái Bình cho biết, theo quy định, các khu công nghiệp phải có hệ thống xử lý nước thải tập trung và bãi chứa rác thải rắn nhưng trên thực tế trên địa bàn tỉnh chỉ có 2 khu công nghiệp tuân thủ quy định này. Đó là khu xử lý nước thải tập trung tại khu công nghiệp Nguyễn Đức Cảnh vừa được tỉnh đầu tư xây dựng mới và đưa vào vận hành từ một năm nay, công suất gần 4.600 m3/ngày đêm, chất lượng nước sau xử lý đạt quy chuẩn Việt Nam. Từ khi đi vào hoạt động đến nay, khu xử lý nước thải hoạt động ổn định, đảm bảo thu gom và xử lý toàn bộ nước thải phát sinh tại khu công nghiệp Nguyễn Đức Cảnh và một phần khu công nghiệp Phúc Khánh đạt tiêu chuẩn trước khi xả thải vào sông Bạch. Sắp tới, khu xử lý nước thải này sẽ tiếp nhận thêm việc thu gom và xử lý nước thải cho cả cụm công nghiệp Phong Phú (Tp Thái Bình). 

Khu công nghiệp Phúc Khánh được đầu tư xây dựng một khu xử lý nước thải tập trung, công suất 3.700 m3/ngày đêm của Công ty Cổ phần phát triển khu công nghiệp Đài Tín đưa vào vận hành từ cuối năm 2005, nhưng nước thải sau xử lý không đạt chuẩn, sau đó Công ty này đã phải cải tạo lại khu xử lý nước thải tập trung và mới được UBND tỉnh cấp phép xả thải vào công trình thủy lợi từ tháng 12/2012. Ngoài khu xử lý nước thải tập trung của Công ty Đài Tín, hiện khu công nghiệp này còn có 2 trạm xử lý nước thải nội bộ của Công ty TNHH may NienHsing Việt Nam (đi vào hoạt động năm 2008) và Công ty TNHH công nghiệp Sheng Fang (hoạt động từ 2010) đảm bảo thu gom và xử lý toàn bộ nước thải phát sinh tại khu công nghiệp đạt tiêu chuẩn trước khi xả thải vào công trình thủy lợi. 

Nhiều khu, cụm công nghiệp trên địa bàn Thái Bình chưa xây dựng khu xử lý nước thải tập trung, nguyên nhân là bởi kinh phí rất tốn kém. Ngoài ra, các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp sản xuất nhiều ngành hàng khác nhau nên vấn đề xử lý nước thải cũng không hề đơn giản. Ngoài ra, tình trạng trốn tránh việc xử lý nước thải của các doanh nghiệp diễn ra khá phổ biến làm cho môi trường sống quanh các khu công nghiệp bị ô nhiễm. Vì thế nước thải chưa qua xử lý hoặc chưa đạt tiêu chuẩn vẫn được đổ thẳng ra các kênh mương, sông ngòi gây ô nhiễm môi trường trầm trọng. Chỉ tính riêng ở khu công nghiệp Phúc Khánh, cả ba loại chất thải (nước, khí và chất rắn) đều phải quan tâm và cần có giải pháp thích hợp, đồng thời giám sát chặt chẽ việc vận hành hệ thống xử lý của doanh nghiệp để phòng ngừa ô nhiễm môi trường khu vực. 

Tại cuộc họp với các ngành bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn trong đầu tư xây dựng các khu xử lý nước thải tập trung tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn mới đây, tỉnh Thái Bình giao cho Sở Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, xây dựng cơ chế chính sách, tính toán phương án huy động các nguồn lực để xây dựng các khu xử lý nước thải tập trung tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Đối với các cụm công nghiệp, tỉnh yêu cầu mỗi huyện, thành phố lựa chọn một cụm công nghiệp huy động nguồn lực đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng; trong đó, có khu xử lý nước thải để thu hút đầu tư. Với các khu công nghiệp, cụm công nghiệp chưa có khu xử lý nước thải thì chỉ tiếp nhận những dự án có lượng nước, khí thải thấp trong ngưỡng cho phép, kiên quyết không tiếp nhận những dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. 

Tỉnh cũng yêu cầu chủ đầu tư cơ sở hạ tầng các khu công nghiệp thực hiện và cam kết thời gian hoàn thành việc đầu tư xây dựng hệ thống thu gom và khu xử lý nước thải tập trung, làm cơ sở xem xét chấp thuận đầu tư xây dựng các dự án mới sau khi đã có khu xử lý nước thải tập trung. Bên cạnh đó, tỉnh giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh thường xuyên kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường, xử lý chất thải tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, bắt buộc các doanh nghiệp, các nhà đầu tư phải áp dụng các biện pháp xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn môi trường, thậm chí sẽ đóng cửa và di dời các đơn vị gây ô nhiễm môi trường.

TTXVN
  •  
Các tin khác

Hiện nay, tại Việt Nam có nhiều phương pháp để xử lý nước thải, một trong các phương pháp cho thấy hiệu quả đó là sử dụng tháp Air Stripping. Đây là một công nghệ thích hợp để xử lý nước thải có nồng độ Amoni cao và có các thành phần độc hại khác trong nước thải rỉ rác, chế biến thủy sản, chăn nuôi, sản xuất cao su, sản xuất bột cá…

Theo các chuyên gia, ngoài việc hạ tầng chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế thì việc các dự án phát triển hạ tầng giao thông, thậm chí là dự án thoát nước chậm triển khai cũng là nguyên nhân khiến công tác tiêu thoát nước, phòng chống ngập úng gặp nhiều khó khăn.

Thành phố Hà Nội quyết tâm khơi thông dòng chảy sông Tô Lịch. Một việc khó và cần nhiều nguồn lực lớn.

Sở Xây Dựng TP.HCM vừa công bố báo cáo kết quả thực hiện chương trình chống ngập và xử lý nước thải giai đoạn 2021-2025, cùng kế hoạch thực hiện năm 2024-2025 gửi UBND TP.HCM.