Xử lý nước thải tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc

  • Cập nhật: Thứ hai, 20/9/2021 | 9:25:45 Sáng

Theo báo cáo của Sở TN&MT Vĩnh Phúc, tổng lượng nước thải tại các KCN hiện đạt khoảng 15 nghìn m3/ngày đêm. Lượng nước thải này được phát sinh từ các hoạt động sản xuất, vệ sinh công nghiệp và sinh hoạt của công nhân viên trong các doanh nghiệp.

Sự phát triển của các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã góp phần thúc đẩy nền kinh tế, tăng thu nhập đầu người nhưng cũng kéo theo không ít ảnh hưởng về môi trường, đòi hỏi các khu công nghiệp cần có một hệ thống xử lý nước thải trong quá trình sản xuất được đầu tư đồng bộ.
Tính đến 31/5/2021, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc có 8/19 khu công nghiệp đi vào hoạt động, thu hút được 389 dự án thứ cấp. Trong đó, có 327 dự án đang hoạt động sản xuất kinh doanh, chiếm 84% tổng số dự án đầu tư. Bên cạnh những lợi ích về phát triển kinh tế, thu ngân sách, giải quyết việc làm, các khu công nghiệp đi vào hoạt động đã làm phát sinh một lượng lớn nước thải.
Sở Tài nguyên và Môi trường Vĩnh Phúc cho biết, tổng lượng nước thải tại các khu công nghiệp hiện đạt khoảng 15 nghìn m3/ngày đêm. Lượng nước thải này được phát sinh từ các hoạt động sản xuất, vệ sinh công nghiệp và sinh hoạt của công nhân viên trong các doanh nghiệp. Với quan điểm: "Không đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế", những năm qua, công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh nói chung và trong khu công nghiệp nói riêng luôn được tỉnh Vĩnh Phúc quan tâm, chỉ đạo sát sao.
xu-ly-nuoc-thai-tai-cac-khu-cong-nghiep-tren-dia-ban-tinh-vinh-phuc-1
Kiểm tra hệ thống xử lý nước thải tại các KCN. Ảnh minh họa
Trong 8 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động, 7 khu công nghiệp có lưu lượng xả thải lớn hiện đã được đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung với công suất thiết kế khoảng 27.800m3/ngày đêm. Tại Khu công nghiệp Kim Hoa: Công ty Honda Việt Nam 1.000 m3/ngày đêm; Khu công nghiệp Khai Quang với 3 modul có tổng công suất là 9.800 m3/ngày đêm; Khu công nghiệp Bá Thiện II với 2 modul có tổng công suất là 5.000 m3/ngày đêm và Khu công nghiệp Thăng Long Vĩnh Phúc là 3.000 m3/ngày đêm...
Trong các khu công nghiệp đi vào hoạt động, có 6 khu công nghiệp đã lắp đặt hệ thống quan trắc tự động liên tục theo quy định của pháp luật. Nhìn chung, cơ sở hạ tầng bảo vệ môi trường tại các khu công nghiệp đều được triển khai xây dựng theo báo cáo đánh giá môi trường (ĐTM) được duyệt.
Tuy nhiên, trong số các khu công nghiệp đã lắp đặt hệ thống xử lý nước thải tập trung, Khu công nghiệp Bá Thiện hiện chưa lắp đặt hệ thống quan trắc tự động, do hệ thống xử lý nước thải tập trung bị hư hỏng nặng, xuống cấp, chưa sửa chữa, nâng cấp kịp thời nên không đủ điều kiện để tiếp nhận nước thải.
Trong thời gian tới để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác bảo vệ môi trường trong khu công nghiệp, Ban quản lý các khu công nghiệp đã yêu cầu chủ đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp Tam Dương II - Khu A, Bá Thiện – Phân khu 1 hoàn thiện thủ tục đầu tư xây dựng trạm xử lý nước thải tập trung. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến và đôn đốc các doanh nghiệp thực hiện công tác bảo vệ môi trường, công tác phòng ngừa và ứng phó đối với sự cố môi trường.
Đồng thời, Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc cũng thường xuyên theo dõi, rà soát, nắm bắt tình hình diễn biến về môi trường và việc thực hiện các quy định về môi trường, nhằm phát hiện cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; giám sát tình hình hoạt động của các Nhà máy xử lý nước thải tập trung tại các khu công nghiệp, triển khai lấy mẫu, phân tích và thông báo kết quả phân tích mẫu nước thải công nghiệp đối với các doanh nghiệp trong khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Đại diện Phòng quản lý Tài nguyên và Môi trường, Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh cho biết: "Nhìn chung, các chủ đầu tư dự án tại khu công nghiệp đều chấp hành nghiêm các quy định về bảo vệ môi trường, cơ bản không có doanh nghiệp vi phạm nghiêm trọng về bảo vệ môi trường khu công nghiệp. Trong thời gian qua, chưa có các vấn đề môi trường đáng lưu tâm hoặc các sự cố môi trường đã từng xảy ra liên quan đến hoạt động của khu công nghiệp”.
Thời gian tới, Ban quản lý các công nghiệp tiếp tục quan tâm hơn nữa tới việc xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về môi trường tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh; phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, các đơn vị có liên quan giám sát quản lý hoạt động xả thải, đặc biệt đối với hoạt động xả thải liên quan đến hóa chất tại các khu công nghiệp, nhằm đảm bảo phòng ngừa và kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm môi trường. Đồng thời, kiên quyết từ chối tiếp nhận, cấp phép đầu tư cho những dự án công nghệ lạc hậu, có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao./.

Ngọc Anh (T/h)
Nguồn Môi trường và Đô thị Việt Nam

  •  
Các tin khác

Hiện nay, tại Việt Nam có nhiều phương pháp để xử lý nước thải, một trong các phương pháp cho thấy hiệu quả đó là sử dụng tháp Air Stripping. Đây là một công nghệ thích hợp để xử lý nước thải có nồng độ Amoni cao và có các thành phần độc hại khác trong nước thải rỉ rác, chế biến thủy sản, chăn nuôi, sản xuất cao su, sản xuất bột cá…

Theo các chuyên gia, ngoài việc hạ tầng chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế thì việc các dự án phát triển hạ tầng giao thông, thậm chí là dự án thoát nước chậm triển khai cũng là nguyên nhân khiến công tác tiêu thoát nước, phòng chống ngập úng gặp nhiều khó khăn.

Thành phố Hà Nội quyết tâm khơi thông dòng chảy sông Tô Lịch. Một việc khó và cần nhiều nguồn lực lớn.

Sở Xây Dựng TP.HCM vừa công bố báo cáo kết quả thực hiện chương trình chống ngập và xử lý nước thải giai đoạn 2021-2025, cùng kế hoạch thực hiện năm 2024-2025 gửi UBND TP.HCM.