Nhiều kênh rạch tại Long An nước đen kịt, bốc mùi nồng nặc

  • Cập nhật: Thứ sáu, 26/4/2019 | 4:15:20 Chiều

(Tapchicapthoatnuoc.vn)- Những năm gần đây, ngành công nghiệp của tỉnh Long An có nhiều bước phát triển nổi bật, đóng góp vào phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Tuy nhiên, song song với sự phát triển đó là vấn đề ô nhiễm môi trường, đặc biệt là ô nhiễm nguồn nước trên các kênh rạch ở những vùng công nghiệp trọng điểm của tỉnh.

Kênh An Hạ chảy qua nhiều khu công nghiệp, với nhiều nhà máy, xí nghiệp đang hoạt động như Khu công nghiệp Hải Sơn, Khu công nghiệp Tân Đức…, và đổ thẳng ra sông Vàm Cỏ Đông. Những năm gần đây, người dân sống gần khu vực con kênh này chảy qua, thuộc địa phận hai xã Đức Hòa Đông và Hựu Thạnh (Đức Hòa, Long An), thường xuyên phải chịu đựng mùi hôi thối bốc lên từ dòng kênh, ảnh hưởng đến sinh hoạt và đời sống của họ.

Ghi nhận thực tế của phóng viên tại kênh An Hạ cho thấy, những lúc thủy triều lên, nước trên kênh lớn hơn và có màu xám. Còn lúc thủy triều rút xuống, toàn bộ dòng kênh hiện rõ màu đen kịt, đặc quánh. Trên bề mặt dòng nước có nhiều vết dầu loang và bốc mùi hôi thối.

Theo người dân địa phương, trước đây dòng nước kênh khá sạch, nhưng từ khi các khu công nghiệp cùng nhiều công ty, nhà máy liên tục mọc lên, khiến kênh bị ô nhiễm nghiêm trọng. Người dân cho rằng, các công ty, nhà máy xả thải nên nước kênh bị ô nhiễm; nhiều lần phản ánh tình trạng này đến các cơ quan chức năng nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng.

Anh Trần Quốc Quang, người dân sinh sông ven kênh An Hạ (ấp Bình Tiền, xã Đức Hòa Đông, Đức Hòa, Long An) cho biết: Chỉ những ngày nghỉ Tết, khi các công ty, nhà máy ngưng hoạt động thì nước kênh An Hạ mới bớt hôi một chút. Còn bình thường, nước kênh lúc nào cũng đen ngòm, bốc mùi hôi thối do nước thải từ các cống ven kênh đổ vào. Người dân phải chịu đựng suốt thời gian dài và rất bức xúc.

Tại tuyến kênh T1 và kênh Ranh (thuộc địa phận xã Đức Hòa Đông, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An; giáp ranh với huyện Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh) tập trung nhiều khu công nghiệp lớn như Khu công nghiệp An Hạ (Thành phố Hồ Chí Minh) và Khu công nghiệp Đức Hòa I - Hạnh Phúc (Long An) cùng hơn 200 doanh nghiệp đang hoạt động tại hai cụm công nghiệp tự phát Đức Hòa Đông, Đức Hòa Hạ (Long An). Các con kênh này phải tiếp nhận lượng nước thải lớn nên rơi vào tình trạng ô nhiễm khá nghiêm trọng, nước có màu đen và bốc mùi hôi thối.

Theo ghi nhận thực tế của phóng viên, dòng nước đen từ kênh T1, đổ ra kênh Ranh và chảy về nhiều nơi khác. Tại điểm hợp lưu của hai dòng kênh này (thuộc Khu công nghiệp Đức Hòa I - Hạnh Phúc), dễ dàng quan sát được hai màu sắc đen và bạc trắng từ hai dòng nước đang cuộn lẫn vào nhau. Từ vị trí này, xuôi theo hướng về cầu Đôi trên tuyến Tỉnh lộ 10 (giáp ranh giữa huyện Bình Chánh và huyện Đức Hòa), dòng nước trở nên đen ngòm, đặc quánh, có nhiều váng dầu và bốc mùi nồng nặc.

Chú thích ảnhKênh Ranh (đoạn qua xã Đức Hòa Đông, Đức Hòa, Long An) bị ô nhiễm nghiêm trọng do nước thải của hàng trăm doanh nghiệp ở hai cụm công nghiệp Đức Hòa Đông và Đức Hòa Hạ.

Anh Nguyễn Văn Quý, người dân sống ven kênh Ranh (thuộc xã Đức Hòa Đông, Đức Hòa, Long An) cho biết: Những năm gần đây, nước trên kênh Ranh có màu đen và bốc mùi hôi thối, nhất là khi nước ròng vào ban đêm. Rất mong cơ quan chức năng sớm xử lý, không để ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.

Thực tế trên địa bàn tỉnh Long An, tình trạng ô nhiễm nguồn nước không chỉ có ở những tuyến kênh, rạch nêu trên mà còn xảy ra ở nhiều nơi, đặc biệt là những vùng phát triển công nghiệp. Báo cáo giám sát việc chấp hành chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn năm 2018 của Hội đồng nhân dân tỉnh Long An nêu rõ, ở các địa bàn phát triển công nghiệp nhanh, việc ô nhiễm nguồn nước sông, kênh rạch rất đáng lo ngại. Trong đó, hệ thống kênh trên địa bàn các xã phát triển công nghiệp của huyện Đức Hòa đang bị ô nhiễm, nước có màu đen, mùi hôi (kênh An Hạ, kênh Ranh, kênh Tây…).

Cũng qua công tác giám sát, Hội đồng nhân dân tỉnh Long An kết luận một số khu, cụm công nghiệp trên địa bàn đã đi vào hoạt động nhưng hệ thống thu gom nước thải chưa thu gom triệt để nước thải của doanh nghiệp đầu tư thứ cấp; nhà máy xử lý nước thải tập trung vận hành chưa hiệu quả, gặp sự cố, chưa đạt quy chuẩn xả thải. Việc đấu nối, thu gom, xả nước thải tại khu, cụm công nghiệp còn bất cập; nhiều doanh nghiệp không xây hố ga riêng ngay điểm đấu nối, điểm xả nước thải; vị trí điểm cuối đường ống xả thải ra nguồn tiếp nhận nằm sâu dưới lòng kênh, lòng sông gây khó khăn cho việc lấy mẫu, kiểm tra, giám sát… Những tồn tại này góp phần gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường, ô nhiễm nguồn nước trên địa bàn tỉnh Long An.

Ông Nguyễn Tân Thuấn, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Long An cho biết: Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng ô nhiễm trên kênh Ranh và kênh T1 là do nước thải của hơn 200 doanh nghiệp ở hai cụm công nghiệp tự phát Đức Hòa Đông, Đức Hòa Hạ và nước thải sinh hoạt của người dân. Hai cụm công nghiệp này trước đây không có chủ đầu tư nên không có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Hiện nay, lãnh đạo tỉnh đã có kế hoạch giao cho Quỹ đầu tư phát triển tỉnh Long An thực hiện chỉnh trang về hạ tầng, xử lý nước thải, từ đó giải quyết dứt điểm tình trạng xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường.

Còn tại khu vực kênh An Hạ chảy qua hai khu công nghiệp Hải Sơn, Tân Đức…, các khu công nghiệp này đều có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Năm 2018, Sở đã kiểm tra và phát hiện Khu công nghiệp Tân Đức xả thải ra môi trường không đúng quy định, qua đó đã xử phạt về hành vi trên với số tiền 1,9 tỷ đồng và yêu cầu doanh nghiệp khắc phục. Thời gian tới, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ thường xuyên kiểm tra, giám sát để tiếp tục đánh giá nguyên nhân gây ra ô nhiễm nguồn nước trên tuyến kênh này, đặc biệt là đối với các khu, cụm công nghiệp để có biện pháp xử lý phù hợp.

Ông Nguyễn Tân Thuấn cho biết thêm, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Long An rất quan tâm đến vấn đề bảo vệ môi trường ngay từ khâu tiếp nhận đầu tư. Tỉnh đã có văn bản quy định cụ thể các ngành nghề ưu tiên tiếp nhận, ngành nghề tiếp nhận có điều kiện và ngưng tiếp nhận đầu tư đối với các ngành nghề dễ gây ra ô nhiễm môi trường. Đối với những doanh nghiệp đang hoạt động, Sở Tài nguyên và Môi trường tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát, phát hiện và xử lý vi phạm về môi trường, đặc biệt là các khu, cụm công nghiệp phải có hệ thống xử lý nước thải tập trung và có hệ thống quan trắc để theo dõi. Năm 2018, Sở Tài nguyên và Môi trường Long An tiến hành kiểm tra 54 cuộc kiểm tra, xử lý 32 trường hợp vi phạm với số tiền gần 6 tỷ đồng. Các hành vi vi phạm chủ yếu là xả nước thải vượt quy chuẩn, không có hồ sơ môi trường…

Bài và ảnh: Bùi Giang (TTXVN)
  •  
Các tin khác

Hiện nay, tại Việt Nam có nhiều phương pháp để xử lý nước thải, một trong các phương pháp cho thấy hiệu quả đó là sử dụng tháp Air Stripping. Đây là một công nghệ thích hợp để xử lý nước thải có nồng độ Amoni cao và có các thành phần độc hại khác trong nước thải rỉ rác, chế biến thủy sản, chăn nuôi, sản xuất cao su, sản xuất bột cá…

Theo các chuyên gia, ngoài việc hạ tầng chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế thì việc các dự án phát triển hạ tầng giao thông, thậm chí là dự án thoát nước chậm triển khai cũng là nguyên nhân khiến công tác tiêu thoát nước, phòng chống ngập úng gặp nhiều khó khăn.

Thành phố Hà Nội quyết tâm khơi thông dòng chảy sông Tô Lịch. Một việc khó và cần nhiều nguồn lực lớn.

Sở Xây Dựng TP.HCM vừa công bố báo cáo kết quả thực hiện chương trình chống ngập và xử lý nước thải giai đoạn 2021-2025, cùng kế hoạch thực hiện năm 2024-2025 gửi UBND TP.HCM.