TP.HCM: Khởi công dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm vào tháng 8/2024

  • Cập nhật: Thứ tư, 25/10/2023 | 2:08:21 Chiều

Dự án nạo vét, cải tạo môi trường, xây dựng hạ tầng rạch Xuyên Tâm (từ kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè đến sông Vàm Thuận) dự kiến khởi công tháng 8/2024.

Ngày 24/10, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP.HCM tổ chức họp thông tin tiến độ triển khai Dự án nạo vét, cải tạo môi trường, xây dựng hạ tầng rạch Xuyên Tâm.

Dự án này vừa được UBND TP.HCM phê duyệt, mức đầu tư hơn 9.600 tỷ đồng, thực hiện trong giai đoạn 2023-2028.

Đây là công trình trọng điểm của TP.HCM góp phần chỉnh trang đô thị, cải thiện môi trường sống cho dân cư ven rạch và nâng cao khả năng chống ngập, hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật, đảm bảo chức năng giao thông thủy nội địa, phục vụ phát triển du lịch của thành phố.

Theo ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng - Phó Ban Quản lý dự án hạ tầng đô thị TP.HCM, tuyến rạch Xuyên Tâm là một trong những nơi ô nhiễm nặng nề nhất của thành phố. Suốt 2 thập kỷ qua, người dân phải sống trong những căn nhà tạm bợ, lụp xụp dọc hai bên bờ rạch ô nhiễm nặng, gây ảnh hưởng đến cuộc sống, sức khỏe.

Từ năm 2002, TP đã khởi động dự án nhưng vì nhiều lý do khách quan khiến công trình chưa thể triển khai theo kỳ vọng.

"Để giải quyết thực trạng trên, UBND TP giao Ban Quản lý dự án đầu tư hạ tầng đô thị TP.HCM làm chủ đầu tư. Sau khi dự án được phê duyệt chính thức, các nội dung bảo vệ môi trường đã được thông qua, Ban đang triển khai các bước tiếp theo để đảm bảo kịp tiến độ", ông Dũng thông tin.

Cụ thể hơn, dự kiến tháng 8/2024 sẽ khởi công gói thầu xây lắp trên địa bàn quận Gò Vấp, hoàn thành công tác xây lắp tháng 4/2025. Riêng địa bàn quận Bình Thạnh, dự kiến khởi công gói thầu xây lắp tháng 4/2025 và hoàn thành tháng 4/2028. Công tác quyết toán dự án tháng 12/2028.

Tổng chiều dài tuyến rạch 8.865m, tuyến chính từ kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè đến sông Vàm Thuận có chiều dài 6.628m và 3 tuyến nhánh (rạch Cầu Sơn, Bình Lợi, Bình Triệu) chiều dài 2.237m.


Suốt 2 thập kỷ qua, người dân phải sống trong những căn nhà tạm bợ, lụp xụp dọc hai bên bờ rạch ô nhiễm nặng, gây ảnh hưởng đến cuộc sống, sức khỏe. (Ảnh: Internet)

Tuyến kênh đi qua 2 quận là Gò Vấp và Bình Thạnh, diện tích thu hồi 158.800m2 với 1.880 trường hợp bị ảnh hưởng, trong đó quận Gò Vấp có 84 trường hợp bị ảnh hưởng (35/84 trường hợp đủ điều kiện tái định cư, 49 hộ giải tỏa 1 phần), riêng quận Bình Thạnh có 1.796 trường hợp bị ảnh hưởng (1.107 trường hợp giải tỏa toàn phần với 909 trường hợp đủ điều kiện tái định cư).


Sau cải tạo, tuyến rạch được kỳ vọng đáp ứng nhu cầu chỉnh trang đô thị, phát triển giao thông, kết hợp du lịch đường sông trong tương lai. (Ảnh: Internet)

Theo ông Dũng, hiện nay Ban Quản lý dự án Hạ tầng đô thị đã ký hợp đồng tạm ứng kinh phí và bàn giao ranh dự án cho quận Gò Vấp và Bình Thạnh để 2 địa phương tiến hành khảo sát, chuẩn bị phương án bồi thường, GPMB cho các hộ dân.

"Đây là dự án được chính quyền thành phố rất quan tâm và cũng được người dân mong chờ nhiều năm qua. Quan điểm của thành phố qua các cuộc họp là làm sao có những chính sách tốt nhất cho người dân cũng như khi thực hiện GPMB, tái định cư thì người dân có nơi ở mới phải bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ. Hiện nay, UBND TP đã giao 2 địa phương tính toán phương án bồi thường GPMB, ban hành đơn giá", ông Dũng cho hay.

AN NHIÊN/MTĐT
  •  
Các tin khác

Hiện nay, tại Việt Nam có nhiều phương pháp để xử lý nước thải, một trong các phương pháp cho thấy hiệu quả đó là sử dụng tháp Air Stripping. Đây là một công nghệ thích hợp để xử lý nước thải có nồng độ Amoni cao và có các thành phần độc hại khác trong nước thải rỉ rác, chế biến thủy sản, chăn nuôi, sản xuất cao su, sản xuất bột cá…

Theo các chuyên gia, ngoài việc hạ tầng chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế thì việc các dự án phát triển hạ tầng giao thông, thậm chí là dự án thoát nước chậm triển khai cũng là nguyên nhân khiến công tác tiêu thoát nước, phòng chống ngập úng gặp nhiều khó khăn.

Thành phố Hà Nội quyết tâm khơi thông dòng chảy sông Tô Lịch. Một việc khó và cần nhiều nguồn lực lớn.

Sở Xây Dựng TP.HCM vừa công bố báo cáo kết quả thực hiện chương trình chống ngập và xử lý nước thải giai đoạn 2021-2025, cùng kế hoạch thực hiện năm 2024-2025 gửi UBND TP.HCM.