Hội thảo khoa học “Xử lý an toàn, tái sử dụng nước thải - Giải pháp bảo vệ tài nguyên nước bền vững”

  • Cập nhật: Thứ năm, 23/3/2017 | 2:27:34 Chiều

Chiều 21/3, tại TP.Bắc Ninh, Thứ trưởng Bộ TN&MT Chu Phạm Ngọc Hiển, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Tiến Nhường đã chủ trì Hội thảo khoa học “Xử lý an toàn, tái sử dụng nước thải - Giải pháp bảo vệ tài nguyên nước bền vững”. Hội thảo là một trong ba hoạt động chính trong chuỗi sự kiện hưởng ứng Ngày Nước thế giới 2017 tại thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh.

Hội thảo thu hút trên 100 đại biểu là lãnh đạo các đơn vị của Bộ TN&MT cùng lãnh đạo các Bộ, ngành liên quan; Lãnh đạo các tỉnh và các Sở, ban, ngành, đoàn thể liên quan của tỉnh Bắc Ninh; Đại diện các Đại sứ quán, tổ chức quốc tế, các chuyên gia trong và ngoài nước… cùng lãnh đạo các doanh nghiệp và phóng viên các cơ quan thông tấn, báo chí Trung ương và địa phương đã đến dự và đưa tin.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Nguyễn Tiến Nhường- Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh cho biết, Ngày Nước thế giới 2017 có chủ đề là "Nước thải” hướng đến tuyên truyền, vận động và nâng cao nhận thức của cả xã hội về giảm thiểu ô nhiễm nguồn nước, tái sử dụng nước, bảo vệ tài nguyên nước, khai thác, sử dụng tài nguyên nước một cách tiết kiệm và hiệu quả. Bởi hiện nay toàn cầu, hơn 80% nước thải xả trực tiếp ra môi trường không qua xử lý và không được tái sử dụng. Nước vô cùng quan trọng với con người. Bảo vệ và sử dụng bền vững nguồn tài nguyên nước đang là vấn đề nóng bỏng của không riêng một địa phương, quốc gia nào mà đã trở thành vấn đề lớn trên toàn cầu.

Ông Nguyễn Tiến Nhường cũng chia sẻ, Bắc Ninh đến nay đã cơ bản là một tỉnh công nghiệp, có nhiều làng nghề truyền thống, kinh tế có sự phát triển nhanh. Đồng hành với đó Bắc Ninh cũng là một trong các địa phương chịu tác động của môi trường, có nguồn nước thải đa dạng và chịu các thách thức về nguồn nước. Vấn đề tái sử dụng nước thải, đưa ra các giải pháp giảm thiểu tác động ô nhiễm nguồn nước và môi trường đang trở thành thách thức cần sớm được giải quyết trong tiến trình phát triển bền vững kinh tế - xã hội của tỉnh.

"Nhận thức về tầm quan trọng của vấn đề môi trường, những năm qua Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và các địa phương trên địa bàn tỉnh đã đặc biệt chú trọng đến vấn đề này. Tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp then chốt như đã tiến hành quy hoạch các cụm công nghiệp làng nghề, di dời các cơ sở gây ô nhiễm ra khỏi khu vực dân cư; chủ trương hỗ trợ kinh phí cho các huyện, thị xã, thành phố đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung tại các cụm công nghiệp làng nghề và lựa chọn một số làng nghề ô nhiễm nghiêm trọng để tổ chức triển khai thí điểm công nghệ xử lý phù hợp. Bên cạnh việc ưu tiên ngân sách cho sự nghiệp môi trường, Bắc Ninh cũng đã mạnh dạn đẩy mạnh xã hội hóa; tìm ra nhiều mô hình sang tạo để thu hút vốn đầu tư của các doanh nghiệp cung cấp các dịch vụ môi trường, xử lý nước thải, khuyến khích nghiên cứu và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào xử lý môi trường” - Ông Nguyễn Tiến Nhường cho biết.


Toàn cảnh Hội thảo

Tại Hội thảo, các đại biểu đã được nghe các tham luận như: "Pháp luật tài nguyên nước về bảo vệ nguồn nước và quản lý hoạt động xả nước thải”; đại diện Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước Quốc gia bàn về "Nguy cơ ô nhiễm tài nguyên nước dưới đất ở các đô thị Việt Nam từ các nguồn thải và giải pháp bảo vệ”; đại diện Chi cục Bảo vệ môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường Bắc Ninh giới thiệu về "Công tác quản lý nước thải trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh”…. Các bài trình bày tập trung vào các vấn đề do ô nhiễm nước thải gây ra cho môi trường và cộng đồng cũng như những tồn tại trong công tác quản lý nước thải ở Việt Nam, phản ánh đa dạng các góc nhìn, quan điểm về quản lý, xử lý nước thải.

Theo báo cáo tham luận của Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ TN&MT), cũng như một số nước trên thế giới, Việt Nam hiện đang phải đối mặt với thách thức hết sức gay cấn về tình trạng ô nhiễm, cạn kiệt các nguồn nước, đặc biệt là tại các khu công nghiệp và đô thị, nơi hầu hết hệ thống sông ngòi, hồ ao đều bị ô nhiễm. Đây là một trong những vấn đề nóng gây tác động lớn đến đời sống, kinh tế, xã hội, phát triển và bảo vệ môi trường xuất phát từ nước thải.

Hiện nay, các sông chính ở Việt Nam đều bị ô nhiễm. Hiện tượng ô nhiễm chủ yếu ở các vùng trung và hạ lưu các lưu vực sông, nhiều khu vực tập trung đông dân cư và các khu công nghiệp hiện tương ô nhiễm diễn ra nghiêm trọng hơn. Đặc biệt, mức độ ô nhiễm tại các con sông tăng cao vào mùa khô khi lượng nước chảy vào các con sông giảm.

Không những thế, nguồn nước dưới đất ở nước ta cũng đang phải đối mặt với những vấn đề như bị nhiễm mặn, nhiễm thuốc trừ sâu, các chất có hại khác... Việc khai thác quá mức và không có quy hoạch đã làm cho mực nước dưới đất bị hạ thấp, đặc biệt là ở các khu vực đồng bằng Bắc bộ và đồng bằng sông Cửu Long. Khai thác nước quá mức cũng sẽ dẫn đến hiện tượng xâm nhập mặn ở các vùng ven biển. Nhiều tổ chức, cá nhân nhân khoan khai thác nước dưới đất không thực hiện việc trám lấp giếng không sử dụng theo quy định gây ô nhiễm nguồn nước dưới đất nguồn nước ngầm. Ngoài ra, nước dưới đất còn bị ô nhiễm do việc chôn lấp gia súc, gia cầm bị dịch bệnh không đúng quy cách.

Các chuyên gia nước ngoài tham dự hội thảo

Phát biểu kết luận, Thứ trưởng Chu Phạm Ngọc Hiển đánh giá cao kết quả của Hội thảo và sự cố gắng của Cục Quản lý tài nguyên nước và Báo Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức thành công hội thảo này. Theo Thứ trưởng, ô nhiễm nước thải đang là một trong những vấn đề nóng của Việt Nam, nhận được rất nhiều sự quan tâm của các cấp, các ngành, cơ quan truyền thông và người dân. Ô nhiễm nước thải là thách thức lớn ở nước ta hiện nay, đặc biệt là tại các khu công nghiệp và đô thị trong bối cảnh của nhu cầu thúc đẩy phát triển kinh tế và xu hướng đô thị hóa.

"Các ý kiến từ hội thảo đã phần nào chỉ ra hiện trạng, các nguyên nhân gây ô nhiễm nguồn nước, những thách thức và tầm quan trọng của việc xử lý nước thải. Các ý tưởng, biện pháp, các giải pháp đã được đề xuất, kiến nghị góp phần nâng cao công tác quản lý và xử lý nước thải để kiểm soát ô nhiễm tài nguyên nước, đồng thời biến nước thải thành nguồn tài nguyên”, Thứ trưởng Chu Phạm Ngọc Hiển nhấn mạnh.

Thứ trưởng cũng cho rằng, còn rất nhiều ý tưởng hay, kinh nghiệm quý nhưng do thời gian của Hội thảo có hạn nên chưa có cơ hội để trao đổi, chia sẻ trực tiếp trên diễn đàn lần này. "Tôi hy vọng rằng, qua lần Hội thảo này, sự gắn kết hợp tác giữa cơ quan trung ương và địa phương, các cơ quan quản lý, các viện nghiên cứu, các trường đại học, các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước có liên quan đến lĩnh vực tài nguyên nước sẽ ngày càng khăng khít hơn, các mối quan hệ đối tác sẵn có càng thêm sâu sắc và nhiều mối quan hệ đối tác mới được xây dựng” - Thứ trưởng Chu Phạm Ngọc Hiển nhấn mạnh.

                                                                         Nguồn: dwrm.org.vn

 

  •  
Các tin khác

Hãy đăng ký tham gia Triển lãm ngành nước quốc tế Thượng Hải lần thứ 16 - WATERTECH CHINA 2024 để khám phá hơn 75.000 giải pháp công nghệ cấp thoát nước tiên tiến nhất và tìm kiếm cơ hội hợp tác cùng hơn 2.500 nhà cung cấp uy tín khắp nơi trên thế giới.

Nhựa làm từ thực vật giải phóng ít vi nhựa hơn đáng kể so với nhựa thông thường khi tiếp xúc với ánh sáng mặt trời và nước biển.

Sáng nay 15/5, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Nam đã chính thức khai trương Bảo tàng Đa dạng Sinh học tỉnh Quảng Nam, đây là công trình đầu tiên ở cấp tỉnh trong cả nước.

Tội phạm động vật hoang dã đang gây ra những tác hại nghiêm trọng cho môi trường và đe dọa sinh kế, sức khỏe cộng đồng.