Tìm kiếm sáng kiến khoa hoc - công nghệ đổi mới tuần hoàn nhựa

  • Cập nhật: Thứ hai, 15/4/2024 | 10:28:07 Sáng

Ngày 12/04/2024, Chương trình “Giải pháp đổi mới tuần hoàn nhựa 2024” đã chính thức được phát động, với mục tiêu thúc đẩy giải pháp từ các đối tượng cá nhân và tổ chức trên cả nước trong việc phát triển công nghệ tái chế rác thải nhựa.

Chương trình được tổ chức với sự phối hợp giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường, Unilever Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp Anh BritCham, Quỹ Khởi nghiệp Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ Việt Nam (SVF).

Phát động cuộc thi tìm kiếm sáng kiến công nghệ tái chế rác thải nhựa 

Lễ phát động cuộc thi "Giải pháp đổi mới tuần hoàn nhựa 2024” có sự tham dự của ông Trần Quý Kiên - Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên & Môi Trường, bà Nguyễn Thị Bích Vân - Chủ tịch Unilever Việt Nam, ông Christopher Jeffery - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Anh quốc BritCham, ông Marcus Winsley - Phó Đại sứ Anh tại Việt Nam, cùng đại diện các bên liên quan. Cũng nằm trong khuôn khổ lễ phát động, tọa đàm với chủ đề Mở khóa Kinh tế tuần hoàn nhựa qua đổi mới sáng tạo: Thách thức & cơ hội cũng được diễn ra với sự tham gia của đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường, tập đoàn Unilever Việt Nam, Central Retail Vietnam, Tái Chế Duy Tân và VietCycle. 


Ông Trần Quý Kiên, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường phát biểu tại Lễ phát động

Tại lễ phát động, đại diện ban tổ chức nhấn mạnh, mục tiêu chương trình nhằm tìm kiếm và vinh danh các sáng kiến mới, giải pháp đổi mới sáng tạo trong việc thúc đẩy, nâng cao tính hiệu quả của chuỗi giá trị tuần hoàn nhựa, tập trung vào giai đoạn thu gom, phân loại và tái chế rác thải bao bì nhựa tại Việt Nam, đặc biệt là bao bì nhựa mềm. Với đối tượng tham gia là các cá nhân và tổ chức có sản phẩm hoặc dịch vụ, công nghệ trong lĩnh vực thu gom, và tái chế chất thải nhựa, chương trình đồng thời khuyến khích lan tỏa và đầu tư cho các sáng kiến và giải pháp mới về thu gom, phân loại và tái chế rác thải bao bì nhựa phù hợp với thị trường Việt Nam. 

Thúc đẩy lối sống xanh bền vững

Theo báo cáo Nghiên cứu Thị trường cho Việt Nam - Cơ hội và Thách thức đối với Tuần hoàn Nhựa do IFC và Ngân hàng Thế giới thực hiện, mỗi năm có đến 2,62 tấn rác thải nhựa không được tái chế, dẫn đến hao hụt 75% giá trị vật liệu của nhựa, tương đương 2,2 - 2,9 tỷ USD mỗi năm. Ngành công nghiệp tái chế tại Việt Nam có nguồn nguyên liệu phong phú nhưng chưa phát triển với tỷ lệ tái chế nhựa chỉ đạt mức 33%. Bên cạnh đó, giá thành của các sản phẩm tái chế thường cao hơn 25-30% so với sản phẩm nhựa thông thường. 

Trong bối cảnh đó, các giải pháp giúp nâng cao khả năng và năng lực tái chế rác thải nhựa, đặc biệt là bao bì nhựa đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc giảm thiểu tác động tiêu cực lên môi trường, đóng góp cho mục tiêu kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững tại Việt Nam.

Thấu hiểu thực trạng này, chương trình "Giải pháp đổi mới tuần hoàn nhựa 2024” nhanh chóng được phát động nhằm tìm kiếm, thúc đẩy các giải pháp sáng tạo trong chuỗi giá trị tuần hoàn nhựa, đặc biệt là các giải pháp mới, sáng tạo trong việc nâng cao năng lực thu gom, xử lý và tái chế bao bì nhựa. Mục tiêu xa hơn của chương trình là đẩy mạnh mô hình kinh tế tuần hoàn trong quản lý rác thải nhựa; hỗ trợ thực hiện quy định trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì của nhà sản xuất, nhập khẩu (EPR) có hiệu lực từ 01 tháng 01 năm 2024 trong khuôn khổ hợp tác công tư.

Các đơn vị đồng tổ chức thực hiện nghi lễ phát động cuộc thi.
Đại diện các đơn vị đồng tổ chức thực hiện nghi lễ phát động cuộc thi. 

Tại Lễ phát động cuộc thi, ông Trần Quý Kiên, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường khẳng định: "Chúng ta đang đối mặt với nhiều nguy cơ từ rác thải nhựa và khối lượng rác thải nhựa, bao bì nhựa gia tăng nhanh chóng cùng với quá trình phát triển kinh tế-xã hội, tiêu dùng của người dân. Sáng kiến tổ chức Chương trình "Giải pháp đổi mới tuần hoàn nhựa 2024” là hành động thiết thực và ý nghĩa để tìm kiếm, vinh danh và đầu tư, hỗ trợ cho các sáng kiến, giải pháp đổi mới, sáng tạo trong hoạt động phân loại, thu gom và tái chế rác thải bao bì nhựa, đặc biệt là nhựa mềm, giá trị thấp tại Việt Nam.

Nhân dịp sự kiện này, tôi kêu gọi các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp khởi nghiệp sở hữu các sáng kiến, giải pháp phân loại, thu gom, tái chế rác thải nhựa, bao bì nhựa, đặc biệt là bao bì nhựa mềm, giá trị thấp tích cực tham gia Chương trình này. Tôi cũng kêu gọi các tổ chức tài chính đầu tư, hỗ trợ tài chính cho các sáng kiến, giải pháp phân loại, thu gom, tái chế rác thải nhựa, bao bì nhựa từ Chương trình này được triển khai, nhân rộng tại Việt Nam".

Bà Nguyễn Thị Bích Vân, Chủ tịch Unilever Việt Nam cho biết: "Chúng tôi mong đợi Cuộc thi này đem đến những giải pháp mang tính thực tế cao và kế hoạch hành động hiệu quả dựa trên các cơ sở khoa học và trải nghiệm cụ thể. Trong đó tập trung vào giai đoạn thu gom - phân loại, xử lý và tái chế rác thải nhựa. Cuộc thi "Giải pháp đổi mới tuần hoàn nhựa” là một bước tiến quan trọng trong việc thực thi cam kết của Unilever về nhựa cũng như thúc đẩy hợp tác PPC”.

Ông Chris Jeffery, Chủ tịch hiệp hội doanh nghiệp Anh Quốc tại Việt Nam chia sẻ: Với tư cách là đại diện các doanh nghiệp Vương quốc Anh tại Việt Nam, chúng tôi cam kết hợp tác cùng chính phủ và cộng đồng hướng tới một thế giới không rác thải và nền kinh tế tuần hoàn. Tính bền vững là cốt lõi trong chiến lược và ưu tiên kinh doanh của các doanh nghiệp Anh Quốc. Vì vậy, chúng tôi tán thành các sáng kiến như Mở rộng trách nhiệm của nhà sản xuất (EPR) và thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn trong quản lý rác thải nhựa ở Việt Nam. Chúng tôi tự hào được hợp tác với Bộ TNMT và các công ty hàng đầu của Vương quốc Anh như Unilever và Ngân hàng Standard Chartered, với sự hỗ trợ của Đại sứ quán Vương quốc Anh và Quỹ Khởi nghiệp Việt Nam, để tổ chức Cuộc thi "Giải pháp đổi mới tuần hoàn nhựa 2024”

Thông tin về cuộc thi "Giải pháp đổi mới tuần hoàn nhựa 2024”
 


Thời gian cuộc thi diễn ra trong 5 tháng, từ tháng 4/2024 tới tháng 8/2024, với các vòng sàng lọc, tuyển chọn, đào tạo và chung kết. Cụ thể: 

12/04 - 15/06/2024: Giai đoạn nhận hồ sơ dự thi
24/6 - 10/7/2024: Vòng Tuyển chọn Top 50
 11 - 15/7/2024: Vòng Tuyển chọn Top 20
 23/07 - 31/07/2024: Vòng Tuyển chọn Top 5 - Lần 01 (Trực tuyến)
 Đầu tháng 08/2024: Vòng Tuyển chọn Top 5 - Lần 02 và Vòng Chung kết -  Ngày Vinh danh các Giải pháp xuất sắc.

Để đăng ký tham dự, các đội thi tiến hành điền thông tin, tải mẫu hồ sơ năng lực (Pitch Deck), hoàn thiện hồ sơ và nộp hồ sơ tại trang chủ chính thức của Chương trình "Giải pháp đổi mới tuần hoàn nhựa 2024” tại: https://plasticscircularity.britchamvn.com/# 

Các đội thi khi tham gia sẽ được chọn lọc và đánh giá theo 02 bảng, bao gồm: Bảng Ý tưởng đổi mới sáng tạo và Bảng Giải pháp triển vọng. Cụ thể:

● Bảng Ý tưởng đổi mới sáng tạo: Sáng kiến, mô hình, giải pháp mới và sáng tạo chưa tiếp cận thị trường, đang trong giai đoạn phát triển thành sản phẩm cụ thể và cần sự hỗ trợ để mang sản phẩm ra thị trường.

● Bảng Giải pháp triển vọng: Giải pháp đã có sản phẩm cụ thể và đã ra mắt thị trường, đang có tiềm năng mở rộng và cần sự hỗ trợ để phát triển tại thị trường Việt Nam.

Chung cuộc, Ban giám khảo Chương trình sẽ chọn ra 5 Đội thi để trao giải. Tổng giá trị giải thưởng đã bao gồm giải thưởng hiện kim và phi hiện kim 

Cơ cấu giải thưởng bao gồm:

Bảng Giải Pháp Triển Vọng: 

● Giải Pháp Đột Phá: Tổng giá trị giải thưởng lên đến 200.000.000 VND bao gồm: 100.000.000 VND, Giấy chứng nhận từ Chương trình và các gói hỗ trợ kỹ thuật, hỗ trợ phi hiện kim từ các đối tác của Chương trình.

● Giải Pháp Đổi Mới: Tổng giá trị giải thưởng lên đến 100.000.000 VND bao gồm: 50.000.000 VND, Giấy chứng nhận từ Chương trình và các gói hỗ trợ kỹ thuật, hỗ trợ phi hiện kim từ các đối tác của Chương trình. 

● Giải Pháp Nổi Bật: Tổng giá trị giải thưởng lên đến 50.000.000 VND bao gồm: 25.000.000 VND, Giấy chứng nhận từ Chương trình và các gói hỗ trợ kỹ thuật, hỗ trợ phi hiện kim từ các đối tác của Chương trình.

Bảng Ý tưởng đổi mới sáng tạo:

● Ý tưởng Sáng Tạo Vượt Trội: Tổng giá trị giải thưởng lên đến 50.000.000 VND bao gồm: 25.000.000 VND, Giấy chứng nhận từ Chương trình và các gói hỗ trợ kỹ thuật, hỗ trợ phi hiện kim từ các đối tác của Chương trình.

●Sáng kiến được Yêu thích nhất: Tổng giá trị giải thưởng lên đến 30.000.000 VND bao gồm: 15.000.000 VND, Giấy chứng nhận từ Chương trình và các gói hỗ trợ kỹ thuật, hỗ trợ phi hiện kim từ các đối tác của Chương trình. 

Ngoài ra, đến với Chương trình, các doanh nghiệp còn có cơ hội nhận được các giải thưởng tài chính hấp dẫn và hỗ trợ lâu dài từ nguồn quỹ hỗ trợ doanh nghiệp có giải pháp xử lý và tái chế rác thải nhựa của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Cùng với đó, các đội thi tham gia còn có cơ hội được kết nối vào chuỗi giá trị của Unilever Việt Nam, được bảo trợ truyền thông, quảng bá bởi mạng lưới các đơn vị truyền thông, được đồng hành hỗ trợ và nâng cao năng lực bởi các chuyên gia đa ngành trong lĩnh vực tái chế, đầu tư bền vững và công nghệ; và các gói hỗ trợ kỹ thuật, gói hỗ trợ phi tài chính khác. 

TÚ ANH

  •  
Các tin khác

CNN đưa tin, một nghiên cứu từ Đại học Berkeley, California cho rằng có mối liên hệ trực tiếp giữa nhiệt độ cao và sự hung hăng, cũng như khả năng xảy ra các hành vi xấu.

Ban biên tập Chuyên trang Quản lý Môi trường, Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam trân trọng giới thiệu tới quý độc giả Công bố quốc tế lĩnh vực môi trường số 16-2024.

Thông tin ngày 15/4 từ Ban Quản lý Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng cho biết một đoàn thám hiểm quốc tế đã phát hiện 22 hang động mới cùng 3 hang động được khảo sát bổ sung với tổng chiều dài 3.550m.

Phái đoàn EU tại Việt Nam, Cơ quan Phát triển Pháp AFD vừa phối hợp với UBND huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh tổ chức hội thảo khởi động chương trình tăng cường năng lực chống chịu biến đổi khí hậu của 4 tỉnh ven biển Bắc Trung Bộ.